Giải bài toán thiếu cát đắp nền đường dự án cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long
Các dự án đường bộ cao tốc trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước tình trạng thiếu nguồn cát đắp nền do nguồn cung ở các tỉnh phía Nam không đủ đáp ứng…
Trong báo cáo Quốc hội về tình hình cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc và cần khối lượng lớn cát để gia cố nền đường. Tuy nhiên, nguồn cát sông ở các tỉnh phía Nam không đủ cung ứng cho các dự án hạ tầng lớn.
NHẬP KHẨU CÁT CHO CÁC DỰ ÁN PHÍA NAM
Cụ thể, tại Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát khoảng 29 triệu m3. Hiện nay, các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3, còn lại khoảng 6 triệu m3 chưa xác định được nguồn.
Ngoài ra, Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có tổng nhu cầu cát khoảng 3,2 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác và còn thiếu 0,4 triệu m3.
Đối với Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh có tổng nhu cầu cát khoảng 3,1 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch cung ứng, tuy nhiên chưa xác định được nguồn cụ thể.
Bên cạnh đó, Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng nhu cầu cát khoảng 9,3 triệu m3. UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp rà soát, điều phối nguồn vật liệu để thực hiện.
Trước tình trạng thiếu cát cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng.
Được biết, Campuchia hiện muốn được xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong một năm. Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác đi Campuchia và có báo cáo.
Theo đó, trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng là dồi dào, cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam, hoạt động cung cấp cát không có vướng mắc về chủ trương, chính sách của Chính phủ hai nước và đây là nguồn cung lớn cho các dự án.
THÍ ĐIỂM SỬ DỤNG CÁT BIỂN
Song song với việc nhập khẩu cát, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu triển khai phương án thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường. Hiện đã có kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đưa ra văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường mới chỉ thực hiện với dự án quy mô nhỏ và có tốc độ thiết kế thấp, đồng thời, chất lượng cát biển mới được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh).
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị và được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng. Trong đó, thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, với lượng cát biển dự kiến sử dụng 2 triệu m3 cát. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cũng đang thí điểm sử dụng cát biển làm đường giao thông, san nền.
Từ kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thí điểm cát biển làm nền đường. Đồng thời tập trung thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hoá học của cát biển tại một số khu vực khác như Hải Phòng, Vũng Tàu… và tổ chức thi công thí điểm mở rộng một số dự án tại các khu vực này như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng.
Song song đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng vật nuôi để áp dụng thí điểm mở rộng phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng trong xây dựng định mức để áp dụng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng để triển khai các thủ tục theo quy định.
Để phòng chống sạt lở, sụt trượt do tác động, ảnh hưởng của việc khai thác cát sông đồng thời tìm các nguồn vật liệu thay thế cát sông như đã báo cáo, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển, đây là một trong giải pháp thích ứng khá hữu hiệu với tác động biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.