13:29 20/02/2023

Siêu dự án 5350 tỷ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm

Thiên Anh

Hiện tổng mức đầu tư Thủy điện Hồi Xuân đã tăng lên 5.350 tỷ đồng. Sau 15 năm khởi động, dự án vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng... Nhưng tình thế của dự án có thể đổi khác nếu khúc mắc trong thủ tục vay vốn sớm được giải quyết...

Dự án thi công 10 năm vẫn dang dở
Dự án thi công 10 năm vẫn dang dở

Dự án Thủy điện Hồi Xuân được xây dựng trên sông Mã tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 3-2010.

CHỦ ĐẦU TƯ SA LẦY TẠI NHIỀU DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN

Sau lễ khởi công, dự án đã sớm bị đình trệ vì chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính. Công ty mẹ của thủy điện Hồi Xuân là Tổng công ty CP xây dựng điện Việt Nam buộc phải tái cấu trúc và tìm đối tác bán lại cổ phần của mình cho nhóm cổ đông mới. Đến tháng 6-2014, Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 91% cổ phần của VNECO.

Sau khi dự án về tay Đông Mê Kông, năm 2015 dự án được tái khởi động với nguồn vốn vay thương mại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) và Ngân hàng TOKYO Mitsubishi (Nhật Bản) đã giải ngân khoản vay 125 triệu đô la vào dự án.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, năm 2017 dự án tiếp tục phải dừng thi công vì nhiều khó khăn nội tại phát sinh. Nguyên nhân chính của việc Chủ đầu tư chậm thu xếp được nguồn vốn bổ sung để thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án là do việc đàm phán ký lại Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài.

Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì tháng 6/2021, hợp đồng mua bán điện số 06/2021/HĐ-NMĐ-Hồi Xuân với giá bán điện đảm bảo để đưa nhà máy vào vận hành.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ vì chủ đầu tư chưa thể thu xếp được nguồn vốn vay thương mại trong nước.

Theo văn bản mới nhất gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, sở dĩ việc chủ đầu tư thiếu vốn vì nhiều dự án bất động sản, hạ tầng giao thông đang triển khai bị sa lầy.

Cổ đông chính của VNNECO Hồi Xuân là Công ty TNHH DV Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông gặp khó khăn về tài chính do không thu hồi được vốn đã đầu tư vào các dự án Quốc lộ 20. Dự án Park Vista tại xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Một số dự án bất động sản khác của Đông Mê Kông và đối tác chiến lược là Công ty TNHH MTV Regina cũng rơi vào những khó khăn tương tự.

Kinh phí đền bù đường tránh ngập Quốc lộ 15 đoạn qua hồ Thủy điện Hồi Xuân do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã được VNECO Hồi Xuân hoàn trả theo hình thức ủy thác thi công số tiền 218,9 tỷ đồng bao gồm cả thuế GTGT, nhưng chưa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn trả lại số thuế GTGT là 18,5 tỷ đồng.

Cho đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng thi công. Tổng nguồn vốn dự án đã thu xếp hơn 3.557 tỷ đồng. Ứng vốn Quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ: 46.579.717,55 USD (tương đương khoảng 1.089 tỷ đồng); nợ phí bảo lãnh Chính phủ 1.771.575,49 USD (tương đương khoảng 41,791 tỷ đồng).

Hiện nay, nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của dự án và khu vực phải giải phóng mặt bằng tái định cư rất bức xúc do chờ đợi quá lâu, các công trình dân sinh hoàn trả chưa được thi công, các hạng mục công trình đã đầu tư của dự án đã từ lâu, nếu không kịp thời khai thác sẽ xuống cấp, lãng phí rất lớn.

ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM...

Mấu chốt lớn nhất khiến dự án đang gặp bế tắc chính là khoản vay thương mại trong nước giữa VNECO và Ngân hàng Argribank chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) yêu cầu một số điều kiện bổ sung chủ đầu tư phải thực hiện để giải ngân khoản vay 758 tỷ đồng.

Cụ thể: (1) có văn bản xác nhận của EVN về giá bán điện theo Hợp đồng mua bán điện đã ký đảm bảo đủ khả năng trả nợ dự án, (2) có văn bản của Bộ Tài chính chấp thuận việc cho thế chấp một phần Nhà máy đối với khoản vay 758 tỷ đồng, dùng doanh thu để trả nợ theo tỷ lệ vay vốn giữa khoản vay nước ngoài và khoản vay tại Agribank, tính toán chia sẻ nguồn thu trả nợ theo cơ cấu phù hợp với dòng tiền dự án.

Do dự án ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ nhiều nên vướng mắc trong tài sản đảm bảo là công trình Thủy điện Hồi Xuân. Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê Kông phải sử dụng Dự án Khu dân cư Phức hợp Phú Mỹ 13D (Garden City) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh để thế chấp làm tài sản đảm bảo bổ sung cho khoản vay. Hiện nay, các bên đang đàm phán thỏa thuận để đi đến thống nhất lộ trình chấp thuận tài sản đảm bảo bổ sung này.

Theo chủ đầu tư dự án, mặc dù đang còn phải xử lý hồ sơ tài sản đảm khoản vay trong nước với Agribank nhưng công ty tin tưởng sớm giải quyết được vướng mắc để đi đến thỏa thuận và giải ngân được khoản vay 758 tỷ đồng của Agribank để sớm triển khai lại dự án trong tháng 3/2023. Về cơ bản, chủ đầu tư và ngân hàng đã tìm được tiếng nói chung để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, số tiền vốn chủ sở hữu còn thiếu hơn 104 tỷ đồng, Hội đồng quản trị công ty thống nhất cho nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Regina (chuyên về đầu tư tài chính và bất động sản) làm cổ đông chiến lược của VNECO Hồi Xuân, góp số vốn còn lại vào để đầu tư dự án.

Như vậy, nếu khoản vay thương mại 758 tỷ được Argribank thông qua trong tháng 3/2023, thủy điện Hồi Xuân đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm. Theo kế hoạch mà doanh nghiệp này cam kết với tỉnh Thanh Hóa, tháng 7/2023 nhà máy sẽ tích nước và chạy thử nghiệm tổ máy số 1. Tổ máy số 2 và số 3 sẽ chạy thử nghiệm và vận hành trong tháng 8 và tháng 9.

Đồng thời, với việc nhanh chóng thu xếp vốn và khởi động lại nhà máy, các cam kết về đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn trả các công trình dân sinh sẽ được chủ đầu tư gấp rút thực hiện trước khi nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia.