Số vụ tranh chấp lao động, đình công giảm mạnh trong năm 2023
Trong năm 2023, tình hình quan hệ lao động cơ bản duy trì ổn định, số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm, không có biến động lớn về tính chất vụ việc...
Liên quan đến tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, năm qua, Bộ đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp, tập trung vào hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương nắm tình hình tiền lương, quan hệ lao động, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động, nhất là những lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, đã triển khai các hoạt động của Uỷ ban Quan hệ lao động và Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong đó tăng cường các hoạt động tham vấn, trao đổi về chính sách lao động, tiền lương, quan hệ lao động, và các vấn đề phát sinh về quan hệ lao động thông qua cơ chế ba bên.
Nhờ vậy, đã góp phần bảo đảm đời sống của người lao động, việc làm, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng gần 7% so với năm 2022.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn chung tình hình quan hệ lao động năm 2023 cơ bản duy trì ổn định, số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm, không có biến động lớn về tính chất vụ việc. Tính đến nay, cả nước xảy ra hơn 20 cuộc đình công, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022.
Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp tuy có chuyển biến, song Bộ đánh giá còn thiếu tính bền vững. Đặc biệt, hoạt động đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp tính thực chất chưa cao.
Tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo trình tự thủ tục luật định tiếp tục có nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 được Bộ đề ra là tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan hệ lao động, đặc biệt tập trung xây dựng bộ máy quản lý đăng ký hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động, góp phần ổn định mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể.
Bộ cũng sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, giải quyết vấn đề phát sinh, sớm ổn định tình hình, giữ vững an ninh trật tự xã hội...
Trước đó, dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hôm 26/12/2023, liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh, việc tham gia các công ước quốc tế về công đoàn và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra những vấn đề mới trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị các chính sách để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, các tổ chức đại diện cho người lao động, bảo đảm kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia.
Đặc biệt, cần sớm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, việc làm và an sinh xã hội phù hợp tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), và các cam kết trong các FTA thế hệ mới.
Ngoài ra, cần giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và lao động về đối thoại, thương lượng tập thể, đình công, giải quyết tranh chấp lao động đúng pháp luật.