05:10 14/09/2021

Tấm “khiên” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đỗ Phong

Các hoạt động làm việc, học tập, giải trí… khi dịch chuyển từ trạng thái offline sang online đều kéo theo rủi ro với người dùng trên môi trường mạng, đặc biệt là với trẻ em. Những mối lo xuất hiện khi trẻ em “sống” quá nhiều trên môi trường mạng nhưng lại thiếu các kỹ năng tự bảo vệ hoặc sự kiểm soát của người lớn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo của Unicef cho biết có khoảng hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi tình trạng trường học đóng cửa và những quy định giãn cách nghiêm ngặt và phần lớn phải chuyển sang học online. Theo tính toán sẽ có hàng triệu trẻ em chịu nguy cơ xấu khi tương tác trên môi trường mạng trên phạm vi toàn cầu.

GIA TĂNG NGUY CƠ RỦI RO KHI ONLINE

Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em trong đó khoảng 2/3 có cơ hội tiếp cận với Internet. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mọi hoạt động đều dịch chuyển lên Internet, kéo theo rủi ro lớn cho phụ huynh, trẻ em như lộ lọt thông tin, bị lừa đảo, đánh cắp dữ liệu, dụ dỗ lôi kéo, tiếp cận thông tin giả mạo.

 
Trẻ em được coi là đối tượng yếu thế, chưa được trang bị nhiều kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng, sẽ phải đối mặt với những nguy cơ khi online.

Tại một tọa đàm mới đây về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, nhấn mạnh: trẻ em được coi là đối tượng yếu thế, chưa được trang bị nhiều kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng, sẽ phải đối mặt với 5 nhóm nguy cơ khi online.

Theo đó, trẻ em có thể tiếp cận những nội dung thông tin độc hại như bạo lực, khiêu dâm, dẫn đến làm lệch lạc suy nghĩ và ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh. Trẻ em cũng có thể bị phát tán những nội dung thông tin riêng tư, cá nhân; bị nghiện Internet hoặc bị cuốn vào những nội dung vô bổ trên mạng. Không những thế, trên môi trường mạng, các em có thể bị bắt nạt và nghiêm trọng hơn là có thể bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo, hoặc ép tham gia vào các hoạt động vi phạm, thậm chí có thể bị xâm hại tình dục…

Hiện nay, trên mạng có nhiều hội nhóm cung cấp các thông tin sai lệch, độc hại trong đó có cả thành viên là trẻ em. Vừa qua Cục An toàn thông tin đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý một số trường hợp như kênh Timmy TV, Thơ Nguyễn và mới đây nhất là nhóm nói xấu bố mẹ…

Điều này cho thấy trẻ em rất dễ bị thu hút, lôi kéo vào các nhóm thiếu lành mạnh.

Các chuyên gia nhận định, các cuộc tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến sẽ nhằm vào các hộ gia đình. Những nguy cơ, rủi ro sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Ông Nguyễn Minh Đức, CEO kiêm Founder CyRadar, cho rằng cùng với việc kết nối online nhiều hơn, các chiến dịch tấn công mạng cũng gia tăng. Đặc biệt trong các hộ gia đình, các em nhỏ đang làm quen với việc học trực tuyến. Khi các em có điều kiện được tiếp xúc với các thiết bị máy tính, smartphone, rất có thể sẽ bị lôi cuốn theo các vấn đề diễn ra trên mạng.

Dưới góc nhìn của nhà mạng, theo ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom, trong gia đình rủi ro khi truy cập mạng thường xảy ra với đối tượng ít được trang bị về cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng để tránh nguy cơ, sự cố. Đó thường là các em nhỏ học online và những người lớn tuổi.

MỐI LO KHI TRẺ "SỐNG" QUÁ NHIỀU TRÊN MẠNG

Theo các chuyên gia, nếu “sống” quá nhiều trên không gian mạng thì các rủi ro kéo theo là rất lớn, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của người dùng. Nếu người dùng bị phụ thuộc vào Internet, sinh hoạt nhiều trên môi trường online không chỉ gặp rủi ro an ninh mạng mà tâm sinh lý sẽ thay đổi.

Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, việc học tập và làm việc trên mạng là nhu cầu tất yếu nhưng người dùng không nên quá sa đà, đặc biệt cần quan tâm đến trẻ em.

Những lo lắng trên không chỉ của những chuyên gia về an ninh mạng mà ngay cả bản thân các phụ huynh.

 
Ngoài an ninh mạng, mối lo khác đó là trẻ em nghiện thiết bị và sử dụng quá nhiều thiết bị kết nối Internet sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, có thể dẫn đến lệch lạc suy nghĩ, hành động nếu bị cuốn theo các nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi.

Kết quả khảo sát hơn 1.000 cho thấy, có đến 94% phụ huynh cho biết cấp cho con em các thiết bị máy tính, smartphone để phục vụ mục đích học tập, liên lạc và giải trí. Tuy nhiên, có tới 75% cũng lo lắng khi trẻ em lợi dụng các thiết bị này để chơi game, bỏ bê việc học; sống ảo trên mạng xã hội (hơn 60%) và dùng sai mục đích; ảnh hưởng tới sức khỏe, ảnh hưởng tới thần kinh, thị giác.

Ngoài vấn đề về an ninh mạng, một mối lo khác được các chuyên gia chỉ ra, đó là trẻ em nghiện các thiết bị và sử dụng quá nhiều thiết bị kết nối Internet hàng ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe, đặc biệt là trẻ em dưới 18 tuổi, có thể dẫn đến những lệch lạc về suy nghĩ và hành động nếu bị cuốn theo các nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi.

Ngoài việc học, trẻ em thường có xu hướng chơi trò chơi hoặc truy cập Internet xem các chương trình trên YouTube. Ở một chừng mực nhất định, điều này sẽ tốt cho trẻ em nhưng nếu quá đà sẽ gây nghiện, ảnh hưởng tâm lý. Khi đó trẻ em sẽ chỉ gắn mình với màn hình thiết bị, ít chia sẻ với người thân. Nếu kéo dài, điều này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề tới tâm lý cũng như thể chất trẻ em, các chuyên gia nhấn mạnh.

Chỉ khi không dùng mạng mới không có khả năng xảy ra sự cố, còn càng dùng nhiều, khả năng xảy ra sự cố nguy cơ an ninh mạng càng cao. Điều này đặt ra vấn đề bảo đảm an toàn thông tin cho các cá nhân trong gia đình, cho trẻ em. Bên cạnh đó là những rủi ro về mặt tâm lý, thể chất nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, giãn cách xã hội, người dân phải ở trong nhà.

LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM TRÊN KHÔNG GIAN ẢO?

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng trước hết phải là ý thức của mỗi người dùng, những người lớn trong nhà luôn kèm cặp, nhắc nhở trẻ em.

Ngoài ra, bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các nhà mạng có thể hỗ trợ các gia đình kiểm soát nội dung truy cập trên Internet của trẻ em, giới hạn giờ truy cập... để dành thời gian cho sinh hoạt cùng gia đình hoặc vui chơi thể thao trong nhà, giúp nâng cao sức khỏe.

 
Ngay cả khi dịch qua đi thì việc học tập, làm việc, giải trí trên mạng đã trở thành thói quen. Do đó, với trẻ em, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quản lý, quan tâm không chỉ trong giai đoạn dịch Covid-19 mà cần liên tục, lâu dài khi tham gia môi trường mạng trong tương lai.

Dưới góc độ chuyên gia an ninh mạng, ông Đức khuyên người dùng, các phụ huynh cần luôn đồng hành cùng trẻ em trong quá trình sử dụng thiết bị tham gia môi trường Internet. Nếu chưa có biện pháp kỹ thuật, các phụ huynh nên để ý đến thời lượng sử dụng thiết bị của trẻ em, đến các trò chơi, ứng dụng các em đang dùng; cân bằng các hoạt động trên Internet và các hoạt động thể thao...

Ông Đức cũng lưu ý, việc ở nhà chỉ là nhất thời và sắp tới sẽ phải làm quen với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ngay cả khi dịch qua đi thì việc học tập, làm việc, giải trí trên môi trường mạng đã trở thành thói quen. Do đó, với trẻ em, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quản lý, quan tâm không chỉ trong giai đoạn dịch Covid-19 phải ở nhà mà cần liên tục, lâu dài khi tham gia môi trường mạng trong tương lai.

Theo các chuyên gia, Internet đã, đang và sẽ trở thành môi trường vô cùng quan trọng trong cuộc sống, bất kể có dịch Covid-19 hay không. Do đó, người dùng cần chuẩn bị và có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình, trở thành những người dùng Internet thông thái.

 
Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình đặt ra mục tiêu kép vừa bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trước các nguy cơ rủi ro, đồng thời chú trọng xây dựng được “vaccine số”, các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cùng với đó xây dựng môi trường mạng lành mạnh, phát triển các sản phẩm dịch vụ giúp trẻ em học tập, vui chơi, giải trí sáng tạo.