13:00 27/08/2022

Tăng tốc giải ngân hơn 28.000 tỷ đồng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải tập trung vào những dự án nào?

Anh Tú

Những tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải tăng tốc giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng, trong đó, tập trung giải ngân cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số dự án ODA...

Từ nay cuối năm 2022, bình quân Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân khoảng 5.600 tỷ đồng/tháng.
Từ nay cuối năm 2022, bình quân Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân khoảng 5.600 tỷ đồng/tháng.

Thông tin kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại cuộc họp giao ban ngày 26/8, tính đến hết tháng 8, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch giao chi tiết và đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, kết quả giải ngân hết tháng 8 của Bộ Giao thông vận tải cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, cơ quan trung ương (32,36%) và bình quân chung cả nước theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (39,15%). Tuy nhiên, chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký khoảng 1.124 tỷ đồng và so với cùng kỳ năm 2021 (52%).

Đáng chú ý, một số dự án còn khối lượng giải ngân lớn như các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 còn phải giải ngân 7.270 tỷ đồng; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2022, các chủ đầu tư đăng ký giải ngân tới 15.000 tỷ đồng; các dự án ODA còn phải giải ngân 2.956 tỷ đồng.

Theo đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, trong tháng 9 tới đây sẽ cần giải ngân 5.718 tỷ đồng, gồm 4.594 tỷ đồng theo kế hoạch đăng ký và 1.124 tỷ đồng chậm kế hoạch. Dự kiến lũy kế giải ngân hết tháng 9 vào khoảng 27.812 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Có thể kể đến như các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, tuyến tránh Long Xuyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh Quốc lộ 1A qua Cà Mau, Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột...

Về công tác phân bổ nguồn vốn, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng đồng vốn trong nước.

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.

"Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đợt 3 cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn cho dự án này", đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho hay.

Để thúc tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời có phương án xử lý, báo cáo các Thứ trưởng phụ trách để xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đặc biệt lưu ý với các dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, đây là 4 dự án bắt buộc phải cơ bản hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án: 7, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh phải tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực, các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để quyết tâm hoàn thành trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém theo đúng quy định của hợp đồng và quy định pháp luật và xem xét không cho tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và các dự án khác do Bộ Giao thông vận tải quản lý đối với các nhà thầu vi phạm Hợp đồng để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của dự án”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Còn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án khẩn trương làm việc với các địa phương liên quan để khảo sát, điều tra vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của dự án.

Trường hợp nếu để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu như đất, cát tại giai đoạn 1, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của giám đốc ban...