07:32 23/08/2022

Đếm ngược 4 tháng phải hoàn thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây liệu sẽ "về đích" đúng hạn?

Anh Tú

Chỉ còn 4 tháng nữa là đến hạn phải hoàn thành đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Tuy nhiên, khối lượng công việc vẫn còn nhiều và dự án hiện vẫn nằm trong danh sách chậm tiến độ...

Thi công trên công trường gói thầu XL03, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Thi công trên công trường gói thầu XL03, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Bộ Giao thông vận tải vừa phát thông tin về tiến độ thi công dự án đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là một dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.

Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền của tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đắp cho dự án.

Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án, các nhà thầu tổ chức triển khai thêm các mũi thi công đảm bảo tiến độ đề ra.

Để đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành dự án đúng tiến độ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước nói chung, Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ các giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về vật liệu. Đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

 

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây  được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9/2020. Dự án có chiều dài 99 km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và được chia thành 4 gói thầu. Tính đến đầu tháng 8, các gói thầu xây lắp mới hoàn thành hơn 53% sản lượng hợp đồng, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng, chậm 1,14% so với kế hoạch.

"Thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Tổ chức họp giao ban hàng tuần để kiểm điểm đôn đốc tiến độ, kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu Ban quản lý dự án nếu triển khai dự án chậm tiến độ", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Cùng với đó, bộ cũng yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết và ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Tổ chức theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng....

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu ban quản lý dự án bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…

Trước đó, đầu tháng 8, Đoàn giám sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã xuống công trường giám sát tiến độ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Lý giải về việc chậm tiến độ, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư, cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều kiện thời tiết mưa nhiều, khan hiếm nguồn cung vật liệu đắp và biến động giá vật liệu.

Đặc biệt, thời gian qua có một số vật liệu tăng giá như: thép tăng từ 30-40%, xi măng tăng từ 20-25%; đá xây dựng tăng từ 40-50%…

Để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư kiến nghị cơ quan chức năng có ý kiến với hai địa phương Đồng Nai và Bình Thuận giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng, nhất là di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cho phép áp dụng chỉ số giá phù hợp với giá thị trường...