Tăng tốc kích cầu tiêu dùng nội địa
Với sức mua hồi phục cùng nhiều chính sách kích cầu được triển khai, thị trường trong nước được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế trong những tháng cuối năm...
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung - cầu được Sở Công Thương các tỉnh triển khai tích cực. Hoạt động này vừa mang lại lợi ích cho các bên, vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các kênh phân phối bán lẻ hiện đại.
NHÀ BÁN LẺ VÀ NHÀ SẢN XUẤT CÙNG VÀO CUỘC
Tháng 8/2023, thị trường TP.HCM ghi nhận tín hiệu lạc quan với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 106.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng 7 và tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua tăng tốt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đã tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp đưa ra các đợt khuyến mãi nhằm thu hút khách. Thậm chí, mùa khuyến mãi năm nay của TP.HCM đã kéo dài gấp 3 lần so với các năm trước với mức giảm lên đến 100% để thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sức mua. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sản xuất.
Để thúc tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng, như: Mua 2 tính tiền 1; Giờ vàng giá sốc; Khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng...
Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng khuyến mãi giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm cùng loại.
Trong “Tháng tôn vinh hàng Việt” vừa qua, Saigon Co.op đã xây dựng chương trình độc quyền với 21 chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho 21.000 sản phẩm hàng Việt vào những ngày cuối tuần, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn, mua 1 tặng 1...
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thông qua chương trình khuyến mãi, Saigon Co.op mong muốn người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua được những sản phẩm Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền, từ đó tạo động lực lớn để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước.
Tại Bình Dương, ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Siêu thị AEON Mall Bình Dương, cho biết dưới sức ép của thị trường, các đơn vị bán lẻ đã nỗ lực không ngừng trong khâu quản lý, chăm sóc khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp chủ động làm việc với các nhà cung ứng để giảm một phần áp lực chi phí của khách hàng, hạ biên lợi nhuận; đồng thời, sắp xếp đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút khách hàng.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Đức Thành (TP.Tân Uyên, Bình Dương), chia sẻ: khi mới bắt đầu kinh doanh tại thị trường nội địa, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, đa dạng về mẫu mã chủng loại, hàng loạt sản phẩm của công ty đã len lỏi vào được hầu hết các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và được người tiêu dùng chấp nhận. “Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Hiện doanh nghiệp đặt ra mục tiêu tăng tỷ trọng nội địa lên 20%”, bà Lê Hải Liễu cho biết.
Tương tự, bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư của Tập đoàn Central Retail, đánh giá cao các chương trình kích cầu với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bà Linh cho biết tập đoàn luôn phối hợp với các địa phương để tham gia chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nước, đặc biệt là đẩy mạnh việc thu mua trực tiếp các sản phẩm của người nông dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam