16:18 07/10/2022

Tăng trưởng bình quân tín dụng xanh tại Việt Nam đạt hơn 25%/năm

Nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh thường rất lớn và dài hạn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên dồn hết gánh nặng vốn lên đôi vai ngành ngân hàng...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo "Vai trò của tổ chức tín dụng trong hỗ trợ phát triển bền vững".

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh như ban hành nhiều văn bản khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, các ngành và lĩnh vực thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải nhà kính; triển khai các gói giải pháp quản lý, giám sát rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng...

Trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

"Các tổ chức tín dụng có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh", bà Hằng đánh giá.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, hoạt động tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Bởi lẽ, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh rất lớn và không nên dồn hết gánh nặng lên đôi vai ngành ngân hàng. Vì vậy, cần tiếp tục khơi thông các nguồn vốn khác bên kênh tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh.

Thực tế, nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn trong khi đó dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh.

"Muốn khơi thông các nguồn vốn khác thì cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh đề đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh", ông Hà nói.

Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế.