Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 1
Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 2

Thưa bà, Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm 2024, trong đó, tăng trưởng GDP quý 2/2024 cán mốc gần 7%. Bà đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng này?

Sau khi có kết quả GDP quý 1/2024, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024, theo đó, quý 2/2024 được cập nhật tăng trưởng từ 5,85-6,32%. Như vậy, mức tăng trưởng quý 2/2024 đạt được là 6,93%, cao hơn 0,73 điểm phần trăm so với mức tăng 6,2% của Kịch bản tăng trưởng cao đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và tăng cao hơn cận trên của kịch bản mục tiêu cập nhật sau quý 1/2024 là 0,61 điểm phần trăm.

Đây là kết quả tăng trưởng khởi sắc, xứng đáng với những nỗ lực chỉ đạo điều hành sát sao, kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành, cùng sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân để thúc đẩy và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 2/2024 đã chủ động khắc phục khó khăn để toàn ngành hướng tới tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng ở khu vực này vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, đảm bảo an ninh lương thực, vừa đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu. Tốc độ tăng quý 2/2024 ngành nông nghiệp đạt 2,91%; ngành lâm nghiệp đạt 6,04% và ngành thủy sản đạt 4,05%.

Khu vực công nghiệp, xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực trong quý 2/2024. Sản xuất công nghiệp phục hồi, giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá với tốc độ tăng đạt 10,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 14,15%… Sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng quý 2/2024 đạt 7,07%. Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Một số ngành dịch vụ thị trường như vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống khôi phục mạnh với tốc độ tăng cao hơn thời kỳ 2018-2019 do được hỗ trợ từ nhu cầu di chuyển tăng mạnh trong những tháng du lịch cao điểm và nhu cầu vận tải hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 3

Ở cả ba khu vực của nền kinh tế (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp – xây dựng và dịch vụ) đều cho thấy tăng trưởng khá. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP quý 2/2024 ở các khu vực này không, thưa bà?

Trong mức tăng 6,93% của quý 2/2024, thì khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) đóng góp tăng 0,38 điểm phần trăm; khu vực II (công nghiệp – xây dựng) đóng góp tăng 3,25 điểm phần trăm và khu vực III (dịch vụ) đóng góp tăng 3,48 điểm phần trăm.

Nhìn chung, kết quả tăng trưởng này đạt được chủ yếu dựa vào các yếu tố động lực như sản xuất trong nước khôi phục khá tốt, tiêu dùng trong nước có xu hướng cải thiện; tăng trưởng vốn đầu tư công tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước và khu vực FDI; xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

Ở góc độ sản xuất, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 2/2024 đạt được mức tăng 3,3% so với cùng kỳ, là mức tăng đáng ghi nhận do Việt Nam đã chủ động trong việc khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, nỗ lực vượt qua khó khăn do thời tiết cực đoan bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2023 và tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.

Sản xuất lâm nghiệp tăng mạnh, do thị trường xuất khẩu đối với gỗ và sản phẩm gỗ vẫn ở mức cao khiến nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác, sản lượng gỗ khai thác quý 2/2024 tăng 7,3%. Sản xuất thủy sản vẫn tăng khá do phát huy lợi thế từ ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất nuôi trồng và thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản.

Sản xuất công nghiệp đang dần lấy lại vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng cao nhất 8,55% quý 2/2024, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất và phân phối điện là hai ngành có mức tăng ấn tượng, lần lượt là 10,04% và 14,15%.

Hoạt động xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư công đã có tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng giảm đã làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 4

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục đóng vai trò lớn nhất trong đóng góp tăng trưởng. Đáng chú ý nhất là ngành vận tải kho bãi có mức tăng trưởng khá ấn tượng, đạt 11,02% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng khá tốt kể từ sau đại dịch Covid-19 do hoạt động xuất nhập khẩu tăng, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi đà tăng trưởng, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng khiến số lượng hàng lưu kho lưu bãi tăng lên, các hoạt động hỗ trợ vận tải cũng nhộn nhịp hơn.

Ở góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng quý 2/2024 ghi nhận mức tăng trưởng khá ở mức 6,58%, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng tới 7,06% cho thấy cầu tiêu dùng đã được kích thích nhờ các chính sách hỗ trợ phù hợp và hoạt động hiệu quả của các ngành kinh tế.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tăng cao thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng/2024 và hoạt động du lịch tăng 8,6% so với cùng kỳ, gần bằng mức tăng trước khi có dịch bệnh của năm 2019 (10,4%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2%, cao nhất kể từ năm 2019 và doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 37,1%, cao hơn 3 lần mức tăng năm 2019.

Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm nay đạt mức khá. Việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1441,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1 % so với cùng kỳ 2023, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,8% của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước có nhiều dấu hiệu khả quan, phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc phục hồi. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190 tỷ USD, tăng 14,5%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,6 tỷ USD. Xuất khẩu tích cực kích thích hoạt động sản xuất của các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 5

Theo bà, đâu là những yếu tố rủi ro hay chưa tăng trưởng được như kỳ vọng trong quý này?

Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ các yếu tố tích cực hỗ trợ, vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức khiến kinh tế cả nước chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng và có thể kéo dài sức ảnh hưởng tới các tháng cuối năm 2024.

Hiện tượng xâm nhập mặn tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với năm 2023 và so với trung bình nhiều năm. Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt với khu vực hộ gia đình.

Đối với ngành thủy sản, việc chưa gỡ được thẻ vàng IUU của EC tiếp tục gây ra những cản trở trong khai thác biển và xuất khẩu. Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tuy đã có mức tăng trưởng cao nhưng do nền của cùng kỳ năm trước thấp, nên nhận định lạc quan trong những quý tới vẫn còn mong manh. Thị trường bất động sản vẫn chưa thật sự vượt qua được giai đoạn khó khăn khi dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng, trái phiếu và nợ xấu vẫn là những thách thức trong thời gian tới.

Áp lực lạm phát trong nước vẫn luôn tiềm ẩn. Mặt bằng giá cả trong nước vẫn đang ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế. Mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga - Ukraine khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng.

Nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành; khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế khôi phục chậm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 6

Với kết quả đạt được trong quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm, kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm sẽ như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thưa bà?

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, đặc biệt là phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP đạt cận trên Quốc hội giao, tức là GDP tăng trưởng 6,5% vừa được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô ban hành ngày 18/6/2024, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,57%, trong đó quý 3/2024 tăng khoảng 6,5%, quý 4/2024 tăng khoảng 6,6%. Đây là một mục tiêu nhiều thách thức và khó khăn, cần có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao.

Tổng cục Thống kê kiến nghị hai nhóm giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, trên góc độ sản xuất, các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu.

Tiếp tục tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đảm bảo nâng cao chất lượng, dịch vụ và quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới giúp ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phát triển, nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…).

Đảm bảo nguồn cung trong nước; ổn định hàng xuất khẩu; bám sát diễn biến thị trường để xác định nhu cầu hàng hóa, nhằm giảm thiểu hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 7

Thứ hai, trên góc độ sử dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt sát sao kiểm tra, giám sát thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác.

Ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các chính sách, chương trình thúc đẩy tiêu dùng hộ dân cư. Phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt tuyên truyền và thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.

Đối với xuất, nhập khẩu, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng tốt và tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết, thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương và đa phương để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 8

VnEconomy 02/07/2024 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 khởi sắc - Ảnh 9