"Bắc Ninh có nhiều kinh nghiệm trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chia sẻ cho các địa phương khác tham khảo. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý một số điều trong quá trình thu hút và duy trì các khoản đầu tư nước ngoài.
Khi ký kết vận động đầu tư, chúng ta đều đặt vấn đề khai thác tiềm năng lợi thế địa phương. Tuy nhiên, kinh nghiệm vừa qua cho thấy, bên cạnh các tiêu chí “2 ít, 3 cao, 5 sẵn sàng” của Bắc Ninh thì cần phải có thêm tiêu chí “1 không”, tức là không ô nhiễm môi trường. Tôi thấy rằng những tiêu chí này, Bắc Ninh đã làm rất tốt.
Mỗi địa phương có tiềm năng lợi thế khác nhau. Với Bắc Ninh, trong dài hạn cần xem xét lại cách nhìn và đánh giá tiềm năng lợi thế, bởi lợi thế không bất biến và nó phụ thuộc vào góc nhìn và lựa chọn trong tương lai của chúng ta.
Ví dụ, nhìn vào Bắc Trung Bộ, rõ ràng nếu ngày xưa phát triển kinh tế nông nghiệp thì không có lợi thế gì bởi nhiều thiên tai, dân đông, đất ít… Nhưng nếu lựa chọn phát triển nông nghiệp và dịch vụ thì đây lại là khu vực có lợi thế. Vì vậy, muốn có định hướng dài hạn, thì phải xác định mình muốn gì trong tương lai và đánh giá lại các tiềm năng lợi thế, từ đó đưa ra các định hướng.
Đại dịch vừa qua cho thấy, chính vì lợi thế không phải bất biến, nên chúng ta phải xác định cách thức để duy trì những lợi thế đó. Đại dịch tác động rất lớn trên toàn cầu, nếu chúng ta không có giải pháp để khôi phục nền kinh tế, tạo ra thị trường, tạo ra các cơ hội mới, thì các nhà đầu tư sẽ rất băn khoăn và chậm nhịp đến với chúng ta, hoặc có thể chỉ đến để thăm dò bởi bản thân họ cũng gặp khó khăn. Nếu chúng ta không giải quyết tốt các vấn đề thì khó có cơ hội thu hút thêm đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư hiện tại.
Hiện tại, Chính phủ đã có các dự định và đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó đang yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, ngoài ra cũng có các chương trình liên quan đến vấn đề an sinh xã hội để tạo môi trường ổn định, tạo cơ hội cho mọi người tự thích ứng được với môi trường mới.
Đứng trước những khó khăn hiện tại, bản thân doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh, còn Chính phủ và chính quyền các cấp cần có biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tự tái cấu trúc sản xuất, phương thức sản xuất kinh doanh và hỗ trợ họ trong việc trở lại thị trường.
Khi Covid-19 và cách mạng 4.0 thay đổi tư duy phát triển, tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, thì chính là “trong khó khăn xuất hiện cơ hội”, tạo ra vô vàn cơ hội mới. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải tính thêm các kịch bản và tình huống do độ chậm trễ phục hồi".
"Bắc Ninh nên bổ sung “1 không” nữa là không ô nhiễm môi trường. Trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thì tiêu chí bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Mà nghiên cứu của tôi thời gian qua thì vấn đề môi trường vẫn nhức nhối. Không phải là riêng Bắc Ninh chưa tốt mà thực trạng này là của tất cả địa phương. Theo tôi biết năm 2020 Bắc Ninh phát hiện 550 vụ vi phạm môi trường và xử lý.
Trong quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng còn rất nhiều phức tạp khiến chúng ta đau đầu từ quản lý cấp trên đến cấp dưới. Những vấn đề như chuyển giao công nghệ tiên tiến. Anh đạt “3 cao” rồi nhưng tiếp nhận được gì từ “3 cao” đó? Nên định hướng công nghiệp hoá rõ ràng, phải làm sao nâng cao năng lực công nghệ doanh nghiệp nội địa của Bắc Ninh chứ không phải công nghệ cao cứ nằm mãi ở doanh nghiệp FDI không chuyển giao được. Rồi còn nhiều vấn đề khác nữa mà tôi nghiên cứu như đầu tư chui, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp này như thế nào... rất phức tạp, khó quản lý.
Đất nước chúng ta đang trong bối cảnh mới, bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, dịch Covid-19. Về bối cảnh quốc tế, có những thay đổi trên thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cơ hội thách thức với doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, thì nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một buổi tham dự hội nghị trực tuyến mới đây, nói một câu tôi thấy tâm đắc đó là: Ta là nước nhỏ nên phải thấy rằng thế giới luôn cạnh tranh cả hàng nghìn năm nay, còn tiếp tục diễn biến trong giai đoạn sắp tới, với nước nhỏ chúng ta phải biết mình ở hoàn cảnh, điều kiện nào để tìm ra cách đi thích hợp, vừa bảo vệ đất nước, dân tộc vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả khi nước lớn họ bắt tay với nhau thì các nước nhỏ phải tìm hướng phát triển thích hợp, tự đi, độc lập, tự chủ, tự cường".
"Bắc Ninh duy trì trong top 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua là kết quả lâu dài của chính sách thu hút đầu tư kết hợp với tinh thần chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp. Bắc Ninh cũng kiên định thực hiện tiêu chí “hai ít và ba cao”. Hai ít là sử dụng lao động, ít sử dụng đất. Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện 5 sẵn sàng gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.
Bên cạnh tiêu chí mà Bắc Ninh đưa ra thì còn có cơ chế chính sách nhằm giữ chân và tạo niềm tin với nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đó là tích cực cải cách thủ tục hành chính, một yêu cầu quan trọng mà tỉnh Bắc Ninh đặt ra. Hàng năm đều có chương trình, kế hoạch yêu cầu các sở, ngành nâng cao cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đề án quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt tăng kỷ luật kỷ cương đối với cơ chế hỗ trợ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến bộ xây dựng công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu công nghiệp tạo mặt bằng cho nhà đầu tư. Thứ ba, tích cực sáng tạo linh hoạt trong xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, thu hút dự án lớn có tính chất lan tỏa, phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay.
Đối với Bắc Ninh hiện nay, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu. Tỉnh chủ trương giao Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện phòng chống Covid -19. Trước là 40 đoàn, nay là 20 đoàn hướng dẫn doanh nghiệp, tìm giải pháp phòng chống Covid – 19, trong đó có các biện pháp về y tế, xét nghiệm, kiểm tra đối với doanh nghiệp đảm bảo quá trình sản xuất của doanh nghiệp".
"Với mục tiêu là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời trở thành thành phố thông minh, tỉnh Bắc Ninh luôn quyết tâm tập trung chỉ đạo toàn diện, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu nỗ lực tìm kiếm và thực hiện các nhóm giải pháp để nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Cụ thể, thứ nhất, tạo môi trường và động lực đầu tư phát triển ngành, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo đúng mục tiêu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng sâu rộng các ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng các khu công nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giống cây trồng và vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh nông sản, nâng cao khả năng phòng ngừa dịch bệnh với cây trồng và vật nuôi.
Thứ ba, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, đổi mới, sáng tạo phương thức nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, hướng tới nông thôn mới hiện đại.
Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo cho bà con nông dân theo hướng “trí thức hóa nông dân”, gắn với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, hợp tác xã; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn; rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông thôn và giữ lại đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp”.
Thứ sáu, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ theo hướng hiện đại, đảm bảo tính kết nối theo hệ thống giữa nông thôn – đô thị và kết nối vùng, miền, nhất là về thủy lợi, giao thông, hạ tầng thương mại.
Thứ bảy, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ.
Thứ tám, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Xây dựng và phát triển chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn".
"Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, đứng trong các tỉnh, thành top đầu cả nước, đặc biệt về thu hút vốn FDI. Để đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, Bắc Ninh chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp.
Một là cần chuyển đổi mạnh các mô hình đào tạo phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, xác định đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng những gì thị trường cần, đặc biệt là những nhân lực, ngành nghề phục vụ cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh.
Đồng thời, cần gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, việc này nhằm chia sẻ đóng góp nguồn lực chung cho công tác đào tạo nhân lực như: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực chuyển giao kiến thức, kỹ năng thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo cả về kỹ năng, trình độ, ý thức, tác phong, tính kỷ luật và sự phối hợp tập thể trong công việc.
Giải pháp thứ hai là có chính sách đãi ngộ và thu hút tuyển dụng, sử dụng lao động. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là những cán bộ quản lý, sinh viên giỏi, hỗ trợ tạo điều kiện cho những dự án, thu hút nhiều nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo nghề trực tiếp theo nhu cầu của các doanh nghiệp và doanh nghiệp FDI. Ưu tiên có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực để đưa đi đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ thuật ở nước ngoài. Song song đó là cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, xây dựng môi trường làm việc thân thiện trong doanh nghiệp với chế độ lương, thưởng phúc lợi công bằng và hợp lý.
Nhóm giải pháp tiếp theo là nâng cao năng lực quản lý nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Với giải pháp này, chúng tôi cho rằng yêu cầu là cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu giúp việc về công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, quy trình tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong từng giai đoạn, cũng như có kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh theo hướng hiện đại và hiệu quả".
"Trong năm 2021, dù gặp dịch bệnh Covid-19 nhưng trong các khu công nghiệp Bắc Ninh vẫn thu hút đầu tư được khoảng 2,6 tỷ USD, riêng Amkor Technology của Hàn Quốc vừa rồi đã ký thỏa thuận với chúng tôi đầu tư 1,6 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn.
Amkor Technology nói với chúng tôi là đã đi tìm hiểu ở các nước cũng như các tỉnh, thành của Việt Nam nhưng cuối cùng đã chọn Bắc Ninh, điều đó thể hiện môi trường đầu tư của Bắc Ninh rất quan trọng. Có được thành quả này chúng tôi hiểu rằng “buôn có bạn, bán có phường”, bởi sau khi đã giải quyết tốt thủ tục cho các nhà đầu tư lớn như Samsung, Foxconn, Canon…thì bản thân các nhà đầu tư này họ sẽ nói nên về chỗ nào. Một tiếng nói của các nhà đầu tư bằng việc tự chúng ta đi kêu gọi đầu tư rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2019 đến nay, Bắc Ninh cũng là điểm sáng trong chống dịch. Chúng tôi có tổ hợp tác hỗ trợ cho các chuyên gia lao động nước ngoài về Bắc Ninh làm việc. Trong lúc Chính phủ có quy định những nước có dịch thì không nhận chuyên gia lao động, Bắc Ninh lúc đó đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ là Bắc Ninh cam kết đưa các chuyên gia này về Việt Nam đảm bảo công tác phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Nhờ đó, trong năm 2021 Bắc Ninh đã đón khoảng 17.000 chuyên gia đến từ 37 nước có đầu tư tại Bắc Ninh quay lại làm việc, để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Bắc Ninh cũng là địa phương đầu tiên sáng kiến ra mô hình “ba tại chỗ” trong khu công nghiệp. Lúc đó chúng tôi thành lập 40 đoàn kiểm tra rà soát tất cả 1.126 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang hoạt động, những doanh nghiệp nào đủ điều kiện “ba tại chỗ” thì mới cho hoạt động bình thường.
Vừa rồi Bắc Ninh tiếp tục có dịch, chúng tôi lại thành lập 20 đoàn khảo sát, rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khuyến khích nếu doanh nghiệp đủ điều kiện “ba tại chỗ” sẽ cho áp dụng tiếp và quản lý thật chặt. Còn những đơn vị nào cần hỗ trợ thì chúng tôi có thể sử dụng trường học, bệnh viện, những chỗ trống… cho công nhân của nhà máy đăng ký ở không thu tiền, giúp cho doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ” bên ngoài khu công nghiệp. Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư rất tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Bắc Ninh, bởi lẽ các nhà đầu tư sợ nhất bị đứt gãy trong quá trình sản xuất.
Dù vậy, tất nhiên vẫn có nhiều nhà đầu tư lớn đến Bắc Ninh tìm hiểu nhưng sau đó lại đến các tỉnh khác. Vì thế chúng tôi hiểu rằng, khi vị trí địa lý như nhau thì không còn là lợi thế, quan trọng nhất là hạ tầng, một là hạ tầng cứng như đường sá, cầu cống, điện nước và hạ tầng mềm là con người, hệ thống quản trị thủ tục hành chính. Phần cứng có thể làm được, nhưng phần mềm là cần cải cách vì cái này rất quan trọng”.
Ngoài ra, có nhà đầu tư cũng e ngại vì lo nguồn nhân lực Bắc Ninh có đáp ứng đủ hay không. Hiện Bắc Ninh có khoảng 340.000 lao động trong khu công nghiệp, nhưng số dân của tỉnh làm ở đây chỉ chiếm 26%, còn lại đến từ các tỉnh khác. Đó là lý do họ rất sợ khi đầu tư vào, Bắc Ninh sẽ không đảm bảo được vấn đề lao động".
VnEconomy 29/11/2021 14:02
14:02 29/11/2021