12:00 26/11/2021

Doanh nghiệp không "mặn mà" đầu tư tiện ích trong khu công nghiệp

Phúc Minh

Bắc Ninh hiện có 3 khu công nghiệp gồm: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong gắn với 3 khu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên tỷ lệ này mới đáp ứng được từ 10 – 15% nhu cầu, nhưng hầu hết đều không có các tiện ích đi kèm như trường học, khu vui chơi…

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Tại tọa đàm với chủ đề “Bắc Ninh trên đường công nghiệp hóa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức ngày 26/11, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, giữ chân người lao động là vấn đề rất cần thiết khi khu công nghiệp muốn phát triển bền vững, đó là quan tâm đến các tiện ích về nhà ở, dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, số khu công nghiệp tại Bắc Ninh có nhà ở cho công nhân vẫn còn quá ít, mới đáp ứng được từ 10 – 15% nhu cầu.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 82 xác định rất rõ chức năng của khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và diện tích đất của các khu công nghiệp hiện có được phép chuyển đổi là hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp.

Mặc dù vậy, sau hơn 3 năm nghị định được ban hành chưa có một khu công nghiệp nào được cấp phép cho chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện có sang mô hình mới này mặc dù đã có hồ sơ xin chuyển đổi, do chưa có quy định hướng dẫn.

Dẫn thực tế tại Bắc Ninh, ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, từ năm 2000, Tiên Sơn là khu công nghiệp đầu tiên của Bắc Ninh được thành lập bên cạnh khu đô thị dịch vụ với 28ha, sau đó lần lượt các khu công nghiệp khác của Bắc Ninh đều có khu đô thị dịch vụ bên cạnh. Chính vì thế, Bắc Ninh không cần chuyển đổi mô hình từ khu công nghiệp thành khu đô thị dịch vụ nữa.

Trên thực tế, khu đô thị dịch vụ luôn phát triển chậm hơn so với khu công nghiệp, mà một trong những lý do là các nhà đầu tư không mặn mà khi làm khu đô thị dịch vụ cung cấp tiện ích cho khu công nghiệp, vì lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn rất lâu.

“Khi làm khu đô thị dịch vụ gắn với nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí thì thu hồi vốn cực kỳ lâu nên doanh nghiệp hầu như không mặn mà. Bắc Ninh cũng đã có các khu này nhưng chỉ hình thành được khu nhà ở cho người lao động, còn bên cạnh khu nhà ở không hề có nhà trẻ, trường học nào. Đây là những dịch vụ rất thiếu, trong khi công nhân không thể ở lại đây nếu không có dịch vụ đi kèm”, ông Bùi Hoàng Mai lý giải.

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, nhưng chính người lao động cũng không muốn vào ở, bởi lẽ bên cạnh thiếu các tiện ích, thì việc quản lý tại khu vực này khá chặt chẽ, cùng với đó chi phí thuê tại đây thường cao hơn khu nhà trọ, những bất cập này khiến nhiều khu chung cư xây lên nhưng bỏ trống.

Cũng vì khó khăn trên, ông Bùi Hoàng Mai cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đồng ý cho Bắc Ninh xây dựng hai khu thiết chế văn hóa ở Yên Phong và Quế Võ với diện tích mỗi nơi 5 ha. Tuy nhiên, đến nay quỹ đất sạch đã được bàn giao 5 năm song không thể triển khai được, do những vướng mắc về chủ đầu tư, khâu vận hành sau khi đi vào hoạt động…

“Chúng tôi cho rằng, vấn đề nhà ở cho người lao động là rất cần thiết, bởi lẽ khi khu công nghiệp phát triển bền vững thì việc giữ chân người lao động là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như vừa qua, nếu có nhà ở công nhân tập trung sẽ là điều kiên tiên quyết cho các nhà đầu tư”, ông Bùi Hoàng Mai nói.

Theo ông, bản thân các doanh nghiệp tại Bắc Ninh cũng mong muốn có khu nhà chung cư độc lập cho công nhân ở để thực hiện “ba tại chỗ” trong trường hợp có dịch trong nhà máy. Bắc Ninh hiện có 3 khu công nghiệp gồm: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong gắn với 3 khu chung cư cho công nhân ở, tuy nhiên tỷ lệ này mới đáp ứng từ 10 – 15% nhu cầu nhà ở cho công nhân.

“Số này vẫn còn quá ít, nhưng bên cạnh đó lại không có dịch vụ kèm theo, đây là vấn đề rất khó cho các nhà đầu tư, nếu không có đột phá sẽ rất khó khăn cho phát triển các khu công nghiệp. Chúng tôi cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp gắn với khu đô thị dịch vụ là điều kiện tiên quyết để khu công nghiệp phát triển bền vững”, ông Bùi Hoàng Mai bày tỏ.