18:25 16/06/2022

Thế hệ NextGen gặp thách thức khi đảm nhận vai trò lãnh đạo

Vũ Khuê

61% NextGen Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới hoặc với vai trò thành viên hội đồng quản trị, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (đều là 45%)...

Đại dịch đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình.
Đại dịch đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình.

Khảo sát về Thế hệ kế nghiệp (NextGen) năm 2022 của PwC đưa ra cái nhìn rõ nét hơn về những động lực, ưu tiên và nỗi băn khoăn của NextGen, những nhà lãnh đạo tương lai của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

53% NEXTGEN XEM TĂNG TRƯỞNG KINH DOANH LÀ ƯU TIÊN SỐ MỘT

Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân, PwC Việt Nam, chia sẻ, được rèn dũa sau hai năm đại dịch Covid-19, NextGen tại Việt Nam hiện đang trải qua với một hiện thực mới, với những thách thức mới như nhu cầu phát triển, chuyển đổi và học hỏi ngày mạnh mẽ hơn.

Đồng thời viễn cảnh kế thừa ngày càng trở nên hiện hữu. Hơn bao giờ hết, NextGen có khả năng định hình doanh nghiệp gia đình và tạo ra ảnh hưởng khi đảm trách công việc quản lý doanh nghiệp của họ.

Đại dịch đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình. Các thế hệ giao tiếp, trao đổi nhiều hơn và giúp NextGen tham gia tập trung vào một mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định và bền vững.

71% cho biết trong đại dịch Covid-19, các thành viên trong gia đình trao đổi với nhau nhiều hơn về vấn đề kinh doanh, cao hơn đáng kể so với kết quả toàn cầu (56%) và trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (57%).

Tuy nhiên, mặc dù vấn đề giao tiếp giữa các thế hệ đã được cải thiện đáng kể trong thời kỳ đại dịch, một số khía cạnh vẫn cần được chú trọng, đặc biệt là việc giao tiếp giữa NextGen và thế hệ lãnh đạo đương nhiệm.

Khảo sát chỉ ra 42% NextGen nhận thấy vấn đề giao tiếp với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm đã được cải thiện.

Đặc biệt, khi nhắc đến thành công trong tương lai của doanh nghiệp gia đình, NextGen xác định một mục tiêu rõ ràng: tăng trưởng. Do đó, không bất ngờ khi 53% NextGen xem tăng trưởng kinh doanh là ưu tiên số một. Và để đạt được mục tiêu này, công nghệ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Kết quả cũng chỉ ra rằng mức độ tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và số hóa của NextGen Việt Nam cao hơn so với mức trung bình toàn cầu, xét về cả 4 lĩnh vực: áp dụng công nghệ mới, nâng cao kỹ năng số, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và chú trọng an ninh mạng.

Ngoài ra, NextGen Việt mong muốn trở thành tác nhân thay đổi. Và họ nhìn thấy cơ hội thu hẹp khoảng cách với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm về cơ hội và rủi ro liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu và khu vực.

61% NEXTGEN VIỆT NAM KHÓ KHĂN Ở VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO MỚI

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, so với những nhà lãnh đạo đương nhiệm, NextGen Việt Nam có quan điểm khác biệt về vai trò và trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, 68% NextGen cho rằng doanh nghiệp họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và các hậu quả liên quan, cao gấp ba lần so với kết quả của thế hệ lãnh đạo đương nhiệm (21%).

Để hiện thực hóa mục tiêu ESG (phát triển bền vững), rõ ràng NextGen cần phải đẩy nhanh các kế hoạch của riêng mình. Trong khi 77% các NextGen kỳ vọng sẽ tham gia vào việc giúp doanh nghiệp của mình chú trọng hơn vào các khoản đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai, hiện tại chỉ 11% đang thực sự hành động.

Bên cạnh đó, 58% NextGen Việt Nam cũng dành sự quan tâm lớn đến việc giảm thiểu tác động từ doanh nghiệp gia đình đến môi trường trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng cần đẩy mạnh cam kết và chủ động thực hiện các bước để đạt được điều này (mức độ hiện tại: 21%).

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG, Dịch vụ kiểm toán, PwC Việt Nam, cho rằng, động thái đón nhận các mục tiêu liên quan đến ESG sẽ tạo ra một đợt thay đổi chấn động đối với các doanh nghiệp, được thúc đẩy bởi kỳ vọng lớn từ các bên liên quan, cam kết đầy tham vọng từ phía chính phủ và làn sóng đầu tư vốn.

“Hay nói một cách đơn giản, động thái này sẽ không gây ra bất cứ mâu thuẫn nào giữa lợi nhuận và mục đích. Các doanh nghiệp gia đình có cơ hội vàng để xem ESG là một vấn đề cấp bách - vì lợi ích của hành tinh, con người và thành công trong tương lai của chính họ”, ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, việc chuyển giao và kế thừa vẫn còn gặp thách thức. Một thông tin tích cực là đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia đình tập trung lên kế hoạch kế nghiệp.

Hiện nay, quá trình chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình đã được quan tâm nhiều hơn và đi kèm với các hành động thực tế. 58% NextGen Việt Nam nhận thức rõ về việc lập kế hoạch kế nghiệp và phần lớn trong số đó tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chuyển giao.

Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc, Dịch vụ Doanh nghiệp gia đình và tư nhân, PwC Việt Nam chia sẻ, chuyển giao thế hệ là một quá trình đầy thách thức, nhưng không nên là công việc của riêng thế hệ lãnh đạo đương nhiệm.

Nhiều người thường lo ngại về vấn đề “quản trị cấp trên”, nhưng trên cơ sở tôn trọng và giao tiếp hiệu quả, đó là quá trình rất quan trọng đối với NextGen, giúp họ khẳng định bản sắc, vị trí và đạt được khát vọng sự nghiệp.

Ngoài ra, NextGen Việt Nam cũng gặp thách thức trong việc đảm nhận vai trò lãnh đạo khi mà thế hệ lãnh đạo đương nhiệm hiện tại vẫn đang cầm trịch.

Cụ thể là 61% NextGen Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân ở vị trí lãnh đạo mới hoặc với vai trò thành viên hội đồng quản trị, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (đều là 45%).