10:14 22/10/2021

Doanh nghiệp gia đình làm thế nào để vượt qua đại dịch?

Tuấn Sơn

Các lãnh đạo của các doanh nghiệp gia đình đang buộc phải đưa ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng để giúp duy trì nguồn lực lao động và đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, làm tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn sống chung cùng đại dịch...

Phạm vi ảnh hưởng của làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 lan rộng và kéo dài, gây ra các tác động sâu sắc đến nhiều thành phần kinh tế trong xã hội từ các tiểu thương nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể cho đến các doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến hết quý 3/2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp đang đối mặt với các khó khăn đến từ các bên và cả trong nội tại doanh nghiệp. Trong hoạt động kinh doanh, mặc dù các loại chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh thu sụt giảm, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tính liên tục cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như hoạt động của các đối tác kinh doanh. Các đối tác ngân hàng nghiêm ngặt hơn trong việc cấp tín dụng mới.

Doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, cũng giống như các doanh nghiệp khác, đã và đang chuyển tâm lý từ "làm thế nào chúng ta có thể phát triển "sang" làm thế nào chúng ta có thể vượt qua". Phần lớn các doanh nghiệp gia đình hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao sang thế hệ thứ hai kế nghiệp. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội chuyển tiếp kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, xử lý suy thoái từ thế hệ thứ nhất sang cho thế hệ thứ hai. Điều này đóng vai trò nền tảng trọng tâm, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp gia đình.

Ms. Lã Trần Minh, Trưởng phòng Cao cấp Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi Nguồn nhân lực, PwC Việt Nam.
Ms. Lã Trần Minh, Trưởng phòng Cao cấp Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi Nguồn nhân lực, PwC Việt Nam.

Do ít có sự tác động của bên thứ ba, việc đưa ra quyết định của các doanh nghiệp gia đình diễn ra nhanh chóng và kịp thời giữa các thành viên trong gia đình, mặc dù có thể mang những tổn thất ngắn hạn nhưng có lợi cho công ty trong dài hạn. Chẳng hạn như việc chấp nhận một số chi phí tăng cao, ổn định lực lượng lao động, giữ giá bán đã thỏa thuận với đối tác.

Mặt khác, các doanh nghiệp gia đình trong lịch sử đã cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn các tổ chức khác khi xảy ra những đợt suy thoái kinh tế bất ngờ, đột ngột. Khi tư vấn cho các doanh nghiệp gia đình, chúng tôi thường khuyến nghị 3 vấn đề mà họ cần chú trọng nhằm vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Duy trì nguồn lực lao động

Sự gắn kết của nhân viên tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù việc duy trì điều kiện cho hoạt động kinh doanh liên tục là rất quan trọng, nhưng một ưu tiên chính của các doanh nghiệp gia đình trong giai đoạn khó khăn và bất ổn này là một số hỗ trợ nhân viên nhằm duy trì nguồn lực lao động.

Ms. Trần Thị Ngọc Tuyết, Trưởng phòng Cao cấp Dịch vụ Tư vấn Ngân quỹ và Quản lý tiền mặt, PwC Việt Nam
Ms. Trần Thị Ngọc Tuyết, Trưởng phòng Cao cấp Dịch vụ Tư vấn Ngân quỹ và Quản lý tiền mặt, PwC Việt Nam

Theo khảo sát Doanh nghiệp gia đình Việt Nam của PwC thực hiện cuối năm 2020(2), có trên 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ đã hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa, và trên 40% cố gắng giữ lại số lượng lao động nhiều nhất có thể, đồng thời cung cấp các hỗ trợ về sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực ổn định để tái khởi động và phục hồi tốt trong quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp gia đình cũng cần quan tâm đến việc chia sẻ thông tin về tình hình tài chính công ty cho nhân viên của mình, thay vì miễn cưỡng làm vì lý do bảo mật như trước đây. Giao tiếp và truyền đạt thông tin rõ ràng là một trong những cách giúp xây dựng lòng tin và giảm bớt lo lắng cho nhân viên trung thành của công ty.

Tính thanh khoản của doanh nghiệp

Tìm kiếm sự ổn định và duy trì thanh khoản là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp trong thời điểm này. Việc đảm bảo sự cân đối chính xác các khoản thu với các khoản chi của doanh nghiệp rất quan trọng và mang tính sống còn đối với doanh nghiệp. Có một số bước mà chúng tôi khuyên các doanh nghiệp nên thực hiện để tiếp tục duy trì tính thanh khoản của mình(3), bao gồm:

Đánh giá lại danh mục chi phí để xem các chi phí nào cần loại bỏ, các khoản chi phí nào chưa thực sự cần thiết phải phát sinh, và có thể cắt giảm, các chi phí “tốt” giúp duy trì hoạt động doanh nghiệp và sản xuất.

Đối với các khoản thanh toán, xác định những khoản thanh toán nào có thể được hoãn lại và thương lượng với nhà cung cấp về gia hạn thời gian thanh toán.

Xác định lại danh mục đầu tư cả của doanh nghiệp, tạm hoãn hoặc thoái vốn khỏi các dự án khác không được coi là cần thiết.

Xác định lại các khoản nợ, làm việc với các bên cho vay để yêu cầu gia hạn hoặc giảm chi phí lãi vay nếu có thể. Đánh giá chu kỳ vốn lưu động, trong trường hợp chu ký vốn thay đổi do ảnh hưởng của Covid-19, thì làm việc với các ngân hàng điều chỉnh thời hạn của các khoản giải ngân mới trong hạn mức phù hợp với chu kỳ mới. Việc kết hợp các giải pháp này giúp giảm bớt áp lực về dòng tiền đến hạn thanh toán.

Tính thanh khoản của gia đình

58% doanh nghiệp gia đình trong khảo sát của PwC Việt Nam(2) chia sẻ rằng vốn gia đình là nguồn tài chính chủ đạo để duy trì hoạt động kinh doanh và tăng trưởng bên cạnh các nguồn tài chính truyền thống khác (vay vốn ngân hàng, vốn hoạt động v.v..). Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp gia đình, thanh khoản của các thành viên trong gia đình cũng được xem là một nguồn thanh khoản dự phòng tối quan trọng của doanh nghiệp.

Với dự đoán việc ảnh hưởng của đại dịch vẫn có thể diễn ra trong một thời gian dài, chúng tôi thường khuyến nghị các thành viên trong gia đình:

Lập ra kế hoạch dòng tiền cá nhân của mình trong thời gian 12-24 tháng trong trường hợp xấu nhất nguồn thu từ việc chia cổ tức từ hoạt động kinh doanh không còn.

Rà soát và đánh giá các khoản mục đầu tư cá nhân của mình các khoản mục nào có tính thanh khoản cao nhất, các khoản mục nào không cần thiết có thể thoái vốn, trong trường hợp xấu nhất thì có thể góp vốn vào duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Việc minh bạch thông tin đến các thành viên trong gia đình là rất cần thiết. 70% doanh nghiệp trong khảo sát (2) tiết lộ Covid-19 đã tăng cường sự giao tiếp chia sẻ thông tin kinh doanh giữa các thành viên trong gia đình. Nếu trước đây chỉ các thành viên tham gia điều hành được tiếp cận các thông tin về hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp, thì trong giai đoạn này các thông tin cũng được chia sẻ đến các thành viên không tham gia điều hành. Mặc dù có thể có những tranh cãi phát sinh, việc minh bạch thông tin trong các cuộc trao đổi nội bộ gia đình sẽ giúp giảm thiểu xung đột giữa các thanh viên đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng như hiện tại.