08:55 14/04/2022

Doanh nghiệp gia đình Việt trước bài toán “giữ gìn, phát triển cho thế hệ sau”

Tuấn Sơn

Sự thành công của các doanh nghiệp gia đình phần lớn đều mang “dấu ấn” cá nhân của những người sáng lập. Chính bản lĩnh, hoàn cảnh thôi thúc và tình cảm đặc biệt dành cho doanh nghiệp đã giúp họ tạo nên kỳ tích. Họ hầu như quyết định mọi thứ để lèo lái con thuyền của mình tiến đến các cột mốc phát triển ấn tượng...

Ông Phan Phương Linh, Giám đốc, Dịch vụ doanh nghiệp gia đình và tư nhân, Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp, PwC Việt Nam.
Ông Phan Phương Linh, Giám đốc, Dịch vụ doanh nghiệp gia đình và tư nhân, Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp, PwC Việt Nam.

Sự thành công của các doanh nghiệp gia đình phần lớn đều mang “dấu ấn” cá nhân của những người sáng lập. Chính bản lĩnh, hoàn cảnh thôi thúc và tình cảm đặc biệt dành cho doanh nghiệp đã giúp họ tạo nên kỳ tích. Họ hầu như quyết định mọi thứ để lèo lái con thuyền của mình tiến đến các cột mốc phát triển ấn tượng. Thế nhưng, vạn vật đều phải trải qua vòng quay tiến hóa và chu kỳ thịnh, suy. Các doanh nghiệp gia đình cũng không ngoại lệ. Họ cũng trải qua những chu kỳ phát triển mang tính chất bước ngoặt, đối diện với những thử thách có thể nói là lớn hơn rất nhiều so với các công ty đã được đầu tư bài bản.

Chúng tôi gọi giai đoạn này là “ngưỡng thử thách”. Doanh nghiệp cần phải vượt qua được ngưỡng này để khẳng định giá trị kinh doanh và trở nên ngày càng lớn mạnh, vững vàng hơn trên thương trường. Và nếu ngược lại, doanh nghiệp sẽ mãi dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là không thể tồn tại và phải từ bỏ.

Doanh nghiệp gia đình Việt trước bài toán “giữ gìn, phát triển cho thế hệ sau” - Ảnh 1

NHỮNG YẾU TỐ NÀO TẠO NÊN “NGƯỠNG THỬ THÁCH”?

Nếu bỏ qua các tác nhân từ bên ngoài và nhìn vào nội lực của doanh nghiệp, thì có hai yếu tố lớn tạo nên “ngưỡng thử thách”.

Yếu tố đầu tiên là con người: Mỗi doanh nghiệp là một tập thể của những con người chia sẻ cùng một tầm nhìn và hệ giá trị. Trong doanh nghiệp, mọi người liên kết với nhau để làm việc, tạo nên những giá trị, đạt được các mục tiêu và chia sẻ thành quả. Một doanh nghiệp sẽ đi xa được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ và khả năng phối hợp làm việc cùng nhau.

Ở mỗi giai đoạn phát triển, doanh nghiệp sẽ cần những con người với các tố chất và năng lực khác nhau. Khi năng lực đội ngũ quản lý không còn phù hợp với quy mô và giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp, đó chính là lúc xuất hiện “ngưỡng thử thách” về con người.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh với trình độ và năng lực của từng đội ngũ sẽ có một ngưỡng riêng. Trong khảo sát Doanh nghiệp gia đình Việt Nam của PwC năm 2021, chỉ có 48% tin rằng doanh nghiệp của mình có một đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ, thấp hơn so với kết quả khảo sát toàn cầu là 71%.

Yếu tố thứ hai là hệ thống và quy trình: Hệ thống và quy trình là các công cụ, phương thức mà doanh nghiệp ứng dụng nhằm mục đích nâng cao năng lực quản trị. Hiểu đơn giản hơn thì đây như là một “kim chỉ nam” để mọi người trong doanh nghiệp có thể phối hợp làm việc với nhau nhịp nhàng, từ đó thực thi các công việc hàng ngày nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh.

Các hệ thống và quy trình sẽ được thiết kế cho từng doanh nghiệp dựa trên tính phức tạp của hoạt động kinh doanh, quy mô của doanh nghiệp, cũng như cân đối giữa lợi ích và chi phí. Khi doanh nghiệp phát triển qua một giai đoạn mới với quy mô lớn hơn, hệ thống quản trị ban đầu có thể sẽ không còn phù hợp, gây ra nhiều bất cập trong công tác điều hành. Đây chính là “ngưỡng thử thách” về hệ thống và quy trình.

Tương tự như “ngưỡng thử thách” về con người, ngưỡng này phụ thuộc vào sự thay đổi của quy mô doanh nghiệp cũng như tính phức tạp của hoạt động kinh doanh trong mỗi chu kỳ phát triển. Thực trạng doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam, theo khảo sát ở trên, cho thấy chỉ 48% doanh nghiệp có mô hình quản trị rõ ràng (mức toàn cầu là 65%), và chỉ 30% tin rằng mình có năng lực số mạnh mẽ (mức toàn cầu 38%).

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI DOANH NGHIỆP ĐẠT ĐẾN “NGƯỠNG THỬ THÁCH”?

Nếu doanh nghiệp không có một đội ngũ nhân lực tài năng được bố trí bài bản, kết hợp với hệ thống quản trị chuyên nghiệp thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với giới hạn nhanh hơn và có thể xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng hơn.

Một số vấn đề điển hình mà các doanh nghiệp phải đối mặt nếu không có phương án sẵn sàng để xử lý tốt “ngưỡng thử thách”:

Tốc độ tăng trưởng doanh thu đi ngang và thậm chí thụt lùi so với các công ty khác cùng ngành, sau một khoảng thời gian tăng trưởng vượt trội. Trong khi đó, chi phí quản lý vận hành lại tăng lên đáng kể khiến lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp dần.

Chủ doanh nghiệp luôn bị quá tải với khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong khi đó đội ngũ quản lý không được phân quyền, phân công công việc rõ ràng để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh hàng ngày.

Doanh thu tăng nhưng tiền mặt ngày càng bị thiếu hụt dần và phải bù đắp bằng các khoản vay ngắn hạn, do không quản lý tốt vốn lưu động.

Chủ doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác, nhưng không thể triển khai được, hoặc kết quả triển khai không như mong đợi.

Mọi người đều cảm thấy công ty cần thay đổi, nhưng lại không biết chính xác các vấn đề cần thay đổi là gì, và sẽ phải bắt đầu từ đâu.

GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ GIÚP DOANH NGHIỆP VƯỢT QUA “NGƯỠNG THỬ THÁCH”?

Khi có các dấu hiệu chạm đến “ngưỡng thử thách” trên, ban lãnh đạo cần rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, hệ thống quản lý vận hành nhằm đánh giá và phát hiện ra các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải để có giải pháp phù hợp kịp thời như:

Rà soát lại định hướng chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao khả năng vượt qua “ngưỡng thử thách” nếu có một chiến lược kinh doanh phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Chuyên nghiệp hóa hệ thống quản lý vận hành, cơ cấu tổ chức, phân chia công việc rõ ràng giữa các phòng ban chức năng, phân quyền cho các cấp quản lý được chủ động giải quyết công việc hàng ngày, chuẩn hóa các quy trình vận hành, và áp dụng công nghệ vào quản lý doanh nghiệp.

Nâng cấp năng lực đội ngũ quản lý thông qua các chương trình đào tạo và phát triển, chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, cơ chế lương thưởng phù hợp theo năng lực và hiệu quả kinh doanh, chuyên nghiệp hóa hệ thống quản trị nhân sự và văn hóa doanh nghiệp.