13:48 04/12/2024

Thí điểm tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được những kết quả bước đầu

Chu Khôi

Triển khai thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là nỗ lực bước đầu, nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam…

Phát triển thị trường xe máy điện là một trong những giải pháp giảm phát thải cho lĩnh vực giao thông.
Phát triển thị trường xe máy điện là một trong những giải pháp giảm phát thải cho lĩnh vực giao thông.

Ngày 3/12/2024, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển dự án tín chỉ carbon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Cơ quan Nhà nước, Tổ chức, và Doanh nghiệp có liên quan đến thị trường tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, cho biết theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.

TẠO RA BÀI HỌC KINH NGHIỆM GIẢM PHÁT THẢI TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG

Tại Hội nghị COP 29 vừa qua, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu và nhất trí về các quy tắc cho thị trường carbon toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tín chỉ carbon, khuyến khích các quốc gia giảm phát thải, đầu tư vào các dự án xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, với mục tiêu đầy tham vọng là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050.

Theo ông Trường, trong khuôn khổ Dự án, UNDP hợp tác với nhà sản xuất xe máy điện - Selex Motor, để triển khai thí điểm một dự án tín chỉ carbon cho xe máy điện tại Việt Nam và hoàn tất quy trình thẩm định quốc tế theo Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard). Đây là nỗ lực tiên phong nhằm thử nghiệm khả năng sử dụng tín chỉ carbon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang giao thông phát thải thấp tại Việt Nam.

Ông Vũ Thái Trường: "Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích".
Ông Vũ Thái Trường: "Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích".

Những kết quả bước đầu đạt được từ dự án, bao gồm: Hỗ trợ phát triển 4 tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức đối thoại các chính sách cao cấp; Hỗ trợ thiết lập khung phát triển dự án tín chỉ carbon cho phương tiện giao thông điện; Thúc đẩy phát triển giao thông phát thải thấp thông qua tài chính khí hậu. Đồng thời, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng với hơn 200 người đã tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo về thị trường carbon và các giải pháp giao thông vận tải phát thải thấp.

 

"Việc thí điểm và hỗ trợ tài chính đã được thực hiện tại nhiều địa phương và triển khai chương trình vay ưu đãi giúp 325 người dân tiếp cận xe máy điện; đồng thời, đánh giá và theo dõi giảm phát thải, báo cáo kỹ thuật và các thử nghiệm hệ thống đăng ký giảm phát thải đã tạo nền móng cho các dự án trong tương lai".

Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam.

Theo ông Trường, Dự án thí điểm tín chỉ carbon từ xe máy điện là một nỗ lực bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Dự án này không chỉ giúp kiểm nghiệm thực tế mà còn tạo ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục phát triển các sáng kiến tương tự trong tương lai.

"Dự án thí điểm này không chỉ góp phần vào mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo động lực tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi”, ông Trường nhấn mạnh.

CẦN XÂY DỰNG ĐƯỢC CƠ CHẾ HỢP LỆ, PHÙ HỢP VỚI VIỆT NAM

Phân tích về giải pháp tạo thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Hải - Chuyên gia kỹ thuật tại Công ty Quản lý PoA Carbon, cho rằng việc thiết kế dự án thị trường tín chỉ carbon cần xác định được mục tiêu tín chỉ và phạm vi dự án, từ đó xây dựng được các cơ chế hợp lệ và phù hợp cho thị trường carbon tại Việt Nam; đồng thời, có phương pháp luận có thể thể áp dụng với lượng tín chỉ dự kiến.

Tiếp đó, cần nghiên cứu khả thi, xác định chi phí lợi ích để xác định được tiêu chuẩn, cơ chế, phương pháp luận và các chi phí liên quan; xác định người mua tín chỉ (trước, trong hoặc sau khi phát triển dự án), đàm phán về giá tín chỉ, thời điểm giao hàng, chi phí phát triển/ đăng ký dự án,…

Cân nhắc sớm về tín chỉ carbon, phát triển dự án tín chỉ carbon song song với dự án đầu tư để đáp ứng điều kiện tiên quyết của từng cơ chế tín chỉ cũng như kịp tiến độ đăng ký, vận hành và giám sát. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường học hỏi, tham khảo các dự án đã đăng ký thành công trên thị trường tự nguyện và các cơ chế mới.

Bà Trịnh Thị Bích Thuỷ - Đại diện Dự án Phát triển giao thông điện UNDP Việt Nam, cho biết thời gian qua, UNDP Việt Nam rất nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển xanh - carbon thấp thông qua xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Trong đó, UNDP tập trung vào các nhóm hưởng lợi chính như: Nhóm nông dân, công dân, hộ gia đình, người nghèo, cận nghèo dễ bị tổn thương,… để hỗ trợ người dân thích ứng với thiên tai và khí hậu; phát triển xanh và carbon thấp; kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa; đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên; sức khoẻ và khí hậu,…

UNDP đang phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc hỗ trợ chính sách, nâng cao năng lực liên quan đến đầu tư tài chính trong giảm phát thải, đưa ra các chính sách chung thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; nghiên cứu, hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ quan xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cho các nhà máy điện than, đánh giá các phương án trong chuyển đổi các nhà máy điện than; nghiên cứu đánh giá về cơ hội, chính sách phát triển thị trường carbon Việt Nam phù hợp với các yêu cầu quốc tế,…

Nhằm thúc đẩy phát triển carbon thấp tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Thuỷ kiến nghị UNDP phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, phát triển Chương trình quốc gia về phát triển giao thông thân thiện với môi trường; xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ - lồng ghép hạ tầng giao thông điện; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia. Cùng với đó, cần kiến nghị mô hình quản lý xe hai bánh và đối thoại chính sách cấp quốc gia, cấp tỉnh; các lớp đào tạo về chính sách, kỹ thuật,…

Đồng thời, đối với các hoạt động thí điểm, cần tổ chức thí điểm cơ chế tín dụng nhỏ cho vay mua xe máy/đạp điện tại các thành phố: Huế, Tuy Hòa và TP. HCM; sử dụng xe tải điện thu gom rác tại TP. Huế và Quy Nhơn; thí điểm sử dụng pin năng lượng mặt trời tại các trạm sạc xe điện tại Huế; tổ chức các Chương trình truyền thông với Sinh viên các trường đại học Đoàn Thanh niên TP. HCM.