Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng tín chỉ carbon và trái phiếu xanh lần đầu
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành...
Dự thảo tờ trình Chính phủ về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 3 khoản thu nhập của cá nhân.
Một là, thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn”.
Hai là, thu nhập do Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung chi trả;
Ba là, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.
Điều này nhằm thể chế hóa các chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường sự bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN SẠCH
Theo dự thảo tờ trình và báo cáo đánh giá tác động của chính sách sửa đổi, ban soạn thảo bổ sung quy định đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành, Bộ Tài Chính cho biết hiện nay xu hướng quốc tế đang khuyến khích phát triển các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM) do đây là các dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính.
Ban chấp hành quốc tế về CDM thực hiện việc giám sát, chấp thuận đăng ký và cấp chứng chỉ giảm phát thải. Tổ chức, cá nhân có quyền chuyển nhượng chứng chỉ cho các đối tượng có nhu cầu và có thêm nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất sạch.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Tại Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022) đã có các quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thực tế những năm gần đây, để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và đưa vào triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon, trái phiếu xanh nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường thông qua việc giảm phát thải carbon, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... cũng có quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải.
Các nước như Mexico, Ấn Độ, Mỹ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh. Ví dụ ở Mỹ thu nhập từ trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành được miễn thuế thu nhập. Một số quốc gia như Thái Lan có chính sách miễn, giảm thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon.
THÚC ĐẨY CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, NETZERO
Do đó, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung vào diện được miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành, tương tự như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đang áp dụng.
Hiện nay, tại dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của các hoạt động này.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính. Trên thế giới đang có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7/2024, đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.
Tại Việt Nam, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới
Hiện nay đề án phát triển thị trường carbon được Bộ Tài chính chủ trì cùng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Theo lộ trình, đến năm 2025-2027, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động.
Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mục tiêu cam kết NetZero vào năm 2050.