11:13 25/09/2024

Nhiều địa phương vẫn đang hiểu có bao nhiêu rừng là có thể bán được bấy nhiêu tín chỉ carbon

Nhĩ Anh

Mục tiêu tối thượng của thị trường carbon trên toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính chứ không phải để tạo ra giá trị thặng dư của nền kinh tế...

TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh điều này tại hội thảo: “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu NetZero và phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường– Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác tổ chức chiều ngày 24/9/2024.

GIẢM PHÁT THẢI, CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG, CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ MỘT XU HƯỚNG

Nêu lý do phải giảm phát thải khí nhà kính, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết lượng khí thải CO2 Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm, với mức trung bình khoảng 5.000 tấn CO2/người/năm. Mức này của Việt Nam tương đối thấp với mặt bằng chung của quốc tế (ở mức khoảng 6,8- 7.000 tấn CO2/người/năm.

Việt Nam đã có những cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu NetZero. Để đạt được mục tiêu này, phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu NetZero và phát triển bền vững, ông Huy nhấn mạnh: “chúng ta phải tăng lượng CO2 được hấp thụ từ rừng lên 185 triệu tấn. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với mức hiện nay, đang ở mức khoảng 60 triệu tấn.

Các chuyên gia trao đổi, thảo luận tại hội thảo.
Các chuyên gia trao đổi, thảo luận tại hội thảo.

Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 17 triệu ha rừng. Ông Huy cho rằng Việt Nam không thể tăng thêm 3 lần diện tích rừng nên việc duy nhất là làm giàu rừng. Đồng thời tất cả các lĩnh vực khác đều phải triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Việt Nam đã có cam kết chuyển đổi năng lượng, đặc biệt đối với điện than, giảm dần từ năm 2030 và tiến tới dừng hẳn vào năm 2050.

“Điều này sẽ tạo sức ép vô cùng lớn đến mặt bằng chung của việc tiêu thụ năng lượng và cơ cấu năng lượng của Việt Nam cũng như nền kinh tế nhưng bắt buộc phải làm”, ông Huy nói.

Thực tế hiện nay năng lượng hóa thạch đang chiếm trên 40%, tiếp đó là thủy điện. Còn năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 20% và có mức tăng mạnh mẽ trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong 6 năm tới, tỷ lệ năng lượng tái tạo cần phải tiếp tục tăng lên mức khoảng 35-40% vào năm 2030 và đạt mức 65-70% vào năm 2050 thì mới đạt mục tiêu NetZero.

Nhiều địa phương vẫn đang hiểu có bao nhiêu rừng là có thể bán được bấy nhiêu tín chỉ carbon - Ảnh 1

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào các cam kết khác, tiếp tục gây sức ép với các lĩnh vực như giảm phát thải khí Metan đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và quản lý chất thải. Mặc dù tỷ lệ không lớn, chiếm khoảng 15% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực… Ngoài ra Việt Nam cũng tham gia cam kết bảo tồn rừng tại Hội nghị COP26.

Việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh là một xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, đi cùng với đó là các mục tiêu về chính trị, kinh tế, xã hội mà chúng ta phải theo.

MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG CỦA THỊ TRƯỜNG CARBON TOÀN CẦU LÀ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Liên quan đến thị trường carbon, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều văn bản quy định pháp lý, kỹ thuật. “Cụm từ thị trường carbon rất dễ bị hiểu lầm khi có người mua, người bán và có người được hưởng lợi, có lãi… Tuy nhiên, mục tiêu tối thượng của thị trường carbon trên toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính chứ không phải để tạo ra giá trị thặng dư của nền kinh tế”, ông Huy nhấn mạnh.

Nói cách khác, điều này tạo cơ chế linh hoạt cho các doanh nghiệp giảm phát khí nhà kính, sử dụng các công cụ kinh tế. Các công cụ hiện đang được xây dựng bao gồm cả thị trường tuân thủ, thị trường tự nguyện.

Hiện nay, tín chỉ carbon từ rừng đang được bán dưới dạng thị trường tự nguyện cho các tổ chức, đối tác quốc tế. Vấn đề đặt ra là số tiền thu được này cần phải được đầu tư trở lại để tăng thêm giá trị.

Nhiều địa phương vẫn đang hiểu có bao nhiêu rừng là có thể bán được bấy nhiêu tín chỉ carbon - Ảnh 2

Việt Nam được nhìn nhận có nhiều thuận lợi, có một số kinh nghiệm, được đánh giá với tín chỉ từ rừng, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức về mặt kỹ thuật, pháp lý, cũng như nhận thức. Thực tế có nhiều địa phương vẫn đang nhận thức và hiểu rằng có bao nhiêu rừng là có thể bán được bấy nhiêu tín chỉ.

Theo ông Huy, vấn đề quan trọng là tính bổ sung cũng như sự nỗ lực hơn nữa để tăng lượng hấp thụ khí sau đó mới nghĩ đến việc bán tín chỉ.

Do đó, đại diện Cục Biến đổi khí hậu mong muốn thông qua hội thảo truyền đi các nội dung, thông điệp chính về việc sử dụng các dịch vụ từ rừng, đặc biệt là hấp thụ carbon từ rừng, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ rừng, sau đó mới là tín chỉ carbon. Qua đó phân biệt rõ các mục tiêu cần hướng tới và tập trung đầu tư để đảm bảo mang lại lợi ích cho hiện tại cũng như tương lai

Được biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. 

Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp nước ta quan tâm. Ước tính trong giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40- 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon.