Thị trường trầm lắng, giao dịch bất động sản tại Đà Lạt chủ yếu là nhỏ lẻ
Theo UBND TP. Đà Lạt, thị trường bất động sản trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm, các giao dịch chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ, mua bán giữa các hộ dân…
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Lạt gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội và Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Nội dung báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2015-2023, trên địa bàn TP. Đà Lạt chỉ có 02 dự án nhà ở thương mại mới được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô 2,13 ha, tổng vốn đầu tư hơn 723 tỷ đồng.
Các giao dịch bất động sản tại địa phương chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ, mua bán giữa các hộ dân. Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn rất lớn.
Cụ thể, năm 2020, TP. Đà Lạt có 2.384 giao dịch đất nền và 1.768 giao dịch nhà ở. Giai đoạn 2021-2022 là thời điểm bùng nổ của thị trường với 4.491 giao dịch đất nền và 3.796 giao dịch nhà ở.
Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố chỉ có 642 giao dịch đất nền và 465 giao dịch nhà ở, giảm 3.078 giao dịch so với năm 2022.
Về hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, theo UBND TP. Đà Lạt, trên địa bàn thành phố không có sàn giao dịch và tổ chức môi giới bất động sản, đồng thời cũng không có dịch vụ tư vấn, quản lý bất động sản.
Giai đoạn 2015-2020 có 69 doanh nghiệp. Đến giai đoạn 2021-2023, số doanh nghiệp giảm dần và hiện còn 53 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại TP. Đà Lạt tăng, giảm theo nhu cầu và tình hình thị trường, hoạt động chủ yếu là các văn phòng ký gửi.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, UBND TP. Đà Lạt cho biết thị trường đang thiếu nhà ở vừa túi tiền, nhiều dự án nhà ở thương mại phải dừng hoặc giãn tiến độ, số dự án hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Dù thanh khoản và sức mua hiện đang giảm so với những năm trước dịch Covid-19, nhưng giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở, vẫn ở mức cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị càng khó trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2015-2021, trên địa bàn TP. Đà Lạt có 03 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho 299 hộ gia đình, cá nhân.
Giai đoạn 2022-2025, địa phương kêu gọi đầu tư 01 dự án nhà ở cho công nhân và 02 dự án nhà ở xã hội tại TP. Đà Lạt, với tổng nguồn cung 1.236 căn hộ.
Trong 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại TP. Đà Lạt đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, có 14 vị trí được bố trí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 18,39 ha.
Tỉnh Lâm Đồng cũng phấn đấu xây dựng 2.200 căn hộ theo chỉ tiêu được giao, các dự án nhà ở xã hội chủ yếu tại TP. Đà Lạt.
Quy hoạch Đà Lạt sẽ sáp nhập huyện Lạc Dương
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với đồ án “Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045”, do Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào chiều 18/3/2024. Theo đồ án quy hoạch, TP. Đà Lạt được phân thành 09 phân khu, phân định rõ các khu vực đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới.
Trong đó, TP. Đà Lạt và vùng phụ cận được định hướng phát triển với TP. Đà Lạt mở rộng (sáp nhập huyện Lạc Dương) là đô thị trung tâm, kết hợp cùng 04 đô thị vệ tinh, bao gồm: đô thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ, đô thị D’ran và đô thị Nam Ban, với tổng diện tịch trên 336.000 ha.
Quy hoạch tận dụng lợi thế từ hệ thống đường cao tốc được định hướng xây dựng trên địa bàn CT25, CT26, CT27 và định hướng nâng cấp sân bay Liên Khương trong tương lai để phát triển kinh tế cho địa phương với hệ thống các khu dịch vụ logistics hiện đại, cảng cạn và hệ thống công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản tại khu vực Đức Trọng trong tương lai.
Quy hoạch cũng định hướng tiếp tục phát triển trục di sản Đông - Tây, trục cảnh quan sông Cam Ly và hệ thống công viên đô thị, công viên chuyên đề và các khu du lịch giải trí cấp quốc gia và cấp vùng hướng tới hình ảnh một đô thị đến từ thiên nhiên… để đưa Đà Lạt trở thành một đô thị du lịch cấp quốc gia, một đô thị di sản về văn hóa, môi trường tự nhiên, một đô thị sáng tạo về nghệ thuật – âm nhạc của UNESCO.
Các đại biểu tham gia góp ý cho rằng đồ án cần có bài toán cân bằng giữa đất và nước trong đó tính toán kỹ lưỡng về công trình thoát nước của Đà Lạt, việc xử lý chất thải dựa trên lượng nước thải hàng năm, tỷ lệ về dân số…