Dứa được mùa được giá, nông dân phấn khởi
Giữa cái nắng gay gắt của tháng 7, từng luống dứa ửng vàng trải dài bất tận trên những triền đồi ở Tam Điệp (Ninh Bình), Vân Du (Thanh Hóa) hay Quỳnh Thắng (Nghệ An) vẫn rộn rã người thu hái…

Ở phường Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, những đồi dứa vàng đang vào chính vụ. Bà con nơi đây làm nghề trồng dứa đã nhiều chục năm, nhưng năm nay là một trong những năm hiếm hoi mà dứa vừa được mùa lại được giá.
Ông Ninh Đức Diệu – người có hơn 10 ha đất trồng dứa, phấn khởi chia sẻ: “Dứa năm nay bán được giá lắm, khoảng 1.200 đồng/kg, cao hơn hẳn mấy năm trước. Gia đình tôi trồng dứa luân phiên quanh năm nên cứ vài tháng lại có đợt thu hoạch. Bình quân mỗi ha đạt 50–60 tấn, trừ chi phí cũng còn lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài bán quả, năm nay tôi còn tận dụng bán hoa và chồi giống với giá 1.000 đồng/chồi, cũng thu thêm vài chục triệu nữa”.
Dứa ở Tam Điệp chủ yếu là giống Queen loại này quả nhỏ, vỏ vàng đẹp, vị giòn ngọt nên rất được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, bà con nơi đây không còn phải lo “được mùa mất giá” như trước, vì tất cả dứa đều được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ký hợp đồng bao tiêu.

Tại phường Quang Trung, tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Viết Dũng trước đây trồng một vụ dứa chính vào mùa hè, nhưng vài năm trở lại đây, ông mạnh dạn chuyển sang trồng rải vụ, tức là chia nhỏ thời gian trồng để có dứa thu quanh năm.
“Làm rải vụ vất vả hơn một chút, nhưng bán được giá hơn hẳn. Đầu năm tôi thu đợt đầu vào tháng 2, rồi đợt nữa vào tháng 5, giá dao động từ 9.000 đến 13.000 đồng/kg. Mỗi đợt trừ chi phí cũng còn dư được gần 200 triệu đồng”, ông Dũng cho hay.
Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn nói thật: “Giá có cao nhưng thương lái cũng mua không nhiều, lẻ tẻ thôi. Nếu có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu từ đầu, thì tôi còn làm mạnh tay hơn, thuê thêm người làm cũng yên tâm hơn”.
Tại xã Vân Du, tỉnh Thanh Hóa thời điểm này cả cánh đồng vàng rực màu quả chín, đâu đâu cũng thấy bóng người cắt dứa, gùi dứa, bốc xếp dứa lên xe.
Anh Lê Văn Quyết, một người trồng dứa có tiếng ở đây, cho biết: “Nhà tôi trồng 8 ha, năm nay thời tiết đẹp, chăm tốt nên năng suất đạt gần 80 tấn/ha. Xe thương lái vào lấy hàng suốt ngày, bán được hết mà giá vẫn cao, bà con vui lắm”.

Theo Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh, dứa được xác định là cây trồng mũi nhọn, với hơn 3.500 ha diện tích canh tác. Tuy nhiên, hiện vẫn còn điểm yếu là chưa có nhiều doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 4 nhà máy chế biến dứa đang hoạt động, gồm: Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Công ty TNHH Tư Thành và Công ty CP XNK Đồng Xanh. Nhưng hầu hết chỉ mua qua thương lái, không ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Vì thế, khi giá cao thì doanh nghiệp không mua nổi, phải ngừng sản xuất, còn người dân thì dễ bị ép giá khi dứa rẻ.
Để phát triển bền vững, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết chặt hơn. Doanh nghiệp nên chủ động ký hợp đồng bao tiêu từ đầu mùa, còn người dân cũng cần tuân thủ đúng hợp đồng đã ký, không nên thấy giá thị trường cao là bán ra ngoài, khiến chuỗi liên kết bị đứt gãy.
Tại xã Quỳnh Thắng, tỉnh Nghệ An cũng là một trong những vùng trồng dứa lớn, vụ dứa năm nay cũng đang vào chính vụ, và không khí không kém gì một lễ hội thu hoạch.
Anh Phạm Văn An – một thương lái lâu năm, cho biết: “Từ đầu tháng 5 đến nay, giá dứa tại vườn lên đến 11.500 đồng/kg. Dứa chín tới đâu là có người mua đến đấy. Nhiều lúc phải cọc tiền trước mới lấy được hàng”.

Ông Nguyễn Đình Thắng – một hộ trồng hơn 5 ha dứa ở xã Quỳnh Thắng, chia sẻ: “Gia đình tôi làm dứa lâu rồi, nhưng năm nay đúng là được giá thật. Dự tính vụ này thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng còn lãi hơn một nửa”.
Tại đây, nhiều hợp tác xã cũng tham gia vào khâu tiêu thụ. Ông Đậu Phi Cảnh – Giám đốc hợp tác xã nông sản AE TA, cho biết: “Năm nay, chúng tôi dự kiến thu mua khoảng 1.000 tấn dứa từ xã viên và các hộ xung quanh. Dứa ngon thì bán tươi, còn lại chế biến thành dứa sấy, nước ép. Thị trường ổn định, giá tốt nên ai cũng yên tâm làm ăn”.