09:39 25/12/2023

Thủ tướng yêu cầu chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài

Chương Phượng

Dự báo rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là…

Rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.
Rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.

Chiều 24/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Công điện nêu: Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI RÉT ĐẬM, RÉT HẠI

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới; nền nhiệt tiếp tục xuống thấp cùng với mưa phùn, độ ẩm cao và nguồn thức ăn khan hiếm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, sức đề kháng và sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, bảo vệ sức khoẻ của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ và sinh kế của người dân, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

 

"Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho nhân dân, cây trồng, vật nuôi. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm.

Những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông - Xuân.

Các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết.

NĂM 2023, THIÊN TAI GÂY THIỆT HẠI HƠN 8.000 TỶ ĐỒNG

Tại tọa đàm "Dấu ấn phòng, chống thiên tai năm 2023" do Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai), cho biết năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai.

Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất. Điển hình như: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích...

 

"Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng, bằng 42% so với năm 2022".

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai.

Ông Hải đánh giá, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Song một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước...

Theo ông Hải, cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó.

"Việc hành động sớm đã giúp chúng ta chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đảm bảo an toàn về người", ông Hải nhấn mạnh.

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách.

Đề cập đến hình thái thời tiết những tháng đầu năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo: dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024 có khả năng thời tiết đẹp.