18:27 12/10/2023

ASEAN thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực do Việt Nam đề xuất

Chương Phượng

Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN được thông qua vào ngày 12/10/2023, bao gồm ba nội dung chính: Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; Lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; Thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn, để ứng phó khẩn cấp…

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, tại Hạ Long.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, tại Hạ Long.

Ngày 12/10/2023, tại TP Hà Long, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 khai mạc, với sự đồng chủ trì của Chủ tịch AMMDM - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Phó Chủ tịch AMMDM - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Brunei Dato Ahmaddin Abdul Rahman. Cùng dự có nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng các nước thành viên ASEAN. 

MỘT ASEAN, MỘT ỨNG PHÓ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định ASEAN là một trong những khu vực năng động, phát triển trên thế giới nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai. Những thảm họa như sóng thần, siêu bão, lũ lụt lịch sử, động đất nghiêm trọng... liên tục xảy ra, lấy đi sinh mạng của người dân, kéo chậm sự phát triển của nhiều nơi.

Nhận thức rõ sự nghiêm trọng của những thách thức này, trong chặng đường nhiều năm qua, chúng ta đã cùng nhau gây dựng và triển khai những cơ chế hợp tác với những định hướng tầm nhìn được củng cố, phát triển qua từng giai đoạn. Từ khởi đầu với việc tăng cường chia sẻ thông tin, thiết lập những kênh kết nối ở các cấp đến những chương trình hợp tác về đào tạo, phổ biến các hướng tiếp cận tiên tiến; tới những cam kết, ký kết các hiệp định để cùng nhau ứng phó tốt hơn với thiên tai thông qua các cơ chế hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả, ASEAN đã hình thành Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo Quản lý thiên tai (AHA); Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ADMER), Chương trình tổng thể công tác của Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) cho từng giai đoạn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Các quốc gia ASEAN nên chung tay, tạo dựng một hành lang để ban hành cơ chế hành động sớm, nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Các quốc gia ASEAN nên chung tay, tạo dựng một hành lang để ban hành cơ chế hành động sớm, nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các quốc gia ASEAN hiện không chỉ tiếp tục kế thừa mà còn có bước tiến mới là “Từ ứng phó đến Hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng tới lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”, nhằm đảm bảo mục tiêu "Một ASEAN, Một Ứng phó".

"Các quốc gia trong khu vực thay vì cứu trợ người dân sau khi thiên tai diễn ra, các quốc gia ASEAN nên chung tay, tạo dựng một hành lang để ban hành cơ chế hành động sớm, nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên khung thời gian dự báo, cảnh báo sớm từ các cơ quan chuyên môn. Điều này sẽ giúp công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí phục hồi sau thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai, chuyển từ bị động sang thế chủ động", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

"Hiểu đơn giản, hành động sớm chính là chuẩn bị trước, chuẩn bị từ sớm, từ ý thức cảnh giác, trang bị kiến thức vững vàng, đến chuẩn bị trước nhân lực, vật lực. Ví dụ, tổ chức mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn; Tổ chức, tham gia thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai; Di dời người dân đến nơi ở an toàn; Xây dựng tốt các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho người dân".

Phó Chủ tịch AMMDM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Brunei Dato Ahmaddin Abdul Rahman cho hay, thông qua việc chia sẻ kiến thức và thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, huy động nguồn lực, sáng kiến tăng cường năng lực, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân. Ông Dato nhấn mạnh sự tham gia của thế hệ trẻ trong việc chung tay nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho cộng đồng. Đây là lực lượng nòng cốt, giúp các bên liên quan có thể phản ứng nhanh cho việc tìm kiếm, cứu nạn và phòng chống thiên tai.

XÂY DỰNG VÀ THÔNG QUA KHUNG ASEAN VỀ HÀNH ĐỘNG SỚM

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo Quản lý thiên tai (AHA) AHA thông báo đã hoàn thành khoảng 87% trong tổng số 149 hoạt động của năm 2023. Ban Quản trị kỳ vọng Trung tâm AHA sẽ giữ vững tiến độ đó để có thể hoàn thành 97% kế hoạch năm 2023 vào cuối năm nay. Đây sẽ là tỷ lệ hoàn thành cao nhất đạt được trong những năm gần đây, vượt cả năm 2022 với tỷ lệ hoàn thành 94%.

Khi Bão nhiệt đới Mocha đổ bộ vào Myanmar hồi tháng 5, Trung tâm AHA đã hỗ trợ đánh giá nhanh các khu vực bị ảnh hưởng và huy động nguồn cứu trợ trị giá 1,69 triệu USD. Sau đó, tiếp tục gửi cứu trợ cho nạn nhân của cơn bão Doksuri và Khanun tại Philippines trị giá 680.000 USD.

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Việt Nam, cho biết Việt Nam đã tham gia tổ chức và triển khai thành công nhiều công tác trong năm 2023. Trong đó, có 2 Hội nghị thường niên ACDM; 26 hoạt động giám sát, phòng ngừa thiên tai; Tuần lễ Quản lý thiên tai ASEAN; tham mưu đề xuất Tuyên bố Hạ Long; Diễn đàn chống chịu thiên tai ASEAN (ADRP).

Đồng thời, ACDM còn phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) triển khai Dự án “Lồng ghép cách tiếp cận Hành động sớm và Bảo trợ xã hội ứng phó với thiên tai vào Chương trình công tác AADMER giai đoạn 2021-2025"; Dự án ASEAN - UNESCAP về hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về Tăng cường thích ứng với Hạn hán.

 

"Các quốc gia ASEAN sẵn sàng vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, bảo vệ những thành quả phấn đấu trong nhiều năm; cùng đưa ASEAN tiếp tục trở thành khu vực phát triển, thịnh vượng và an toàn trên thế giới".

Theo "Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN".

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý về phòng chống thiên tai của 10 quốc gia ASEAN thống nhất thông qua "Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN", bao gồm ba nội dung chính: Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm, Lập kế hoạch, vận hành và thực hiện và Thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn, để ứng phó khẩn cấp.

Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN trong quản lý thiên tai.

Tuyên bố nêu rõ: Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, nhưng từ trước đó rất lâu, ASEAN đã chú trọng và dồn nhiều tâm huyết, nguồn lực đến công tác này. Các quốc gia ASEAN với tinh thần đoàn kết, củng cố lòng tin chiến lược, chân thành hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của Hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại cũng đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo, cảnh báo, đẩy nhanh nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai.