09:00 12/03/2019

Thúc đẩy chuyển giao đại diện sở hữu vốn nhà nước, các bộ ngành chạy đua với đích 31/3/2019

Hoàng Xuân

Các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC vẫn còn thời hạn gần 1 tháng để hoàn tất việc bàn giao

Biểu đồ bán vốn qua các năm của SCIC.
Biểu đồ bán vốn qua các năm của SCIC.

Các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC vẫn còn thời hạn gần 1 tháng để hoàn tất việc bàn giao. Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, các doanh nghiệp đã thoái vốn hoặc không thoái vốn đúng tiến độ thì sẽ phải chuyển giao trước ngày 31/3/2019.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ước tính có khoảng 252 doanh nghiệp thuộc diện sẽ phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC trong thời gian tới. Trong đó, có khoảng 221 doanh nghiệp thuộc diện chưa hoàn thành việc thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa, 31 doanh nghiệp còn lại là những doanh nghiệp chưa bàn giao về SCIC theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017.

Cơ sở pháp lý đầy đủ cho bàn giao

Ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg (Quyết định 1232) về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020. Theo Quyết định 1232, các Bộ/UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng.

Sau đó 2 tuần, ngày 30/8/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2018/TT-BTC (Thông tư 83) thay thế Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 về hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC. Thông tư mới đã cập nhật các văn bản pháp luật mới được ban hành liên quan đến công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC cũng như có những điều chỉnh căn cứ vào thực tiễn hoạt động của Tổng công ty trong thời gian qua.

Đầu năm 2019, ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg (Chỉ thị 01) về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tại Chỉ thị, Thủ tướng đã yêu cầu: "Rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018-2020, đảm bảo khả năng thực hiện.

Rà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016-2018 để chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019-2020". Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.

Đồng thời, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành. Đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục bàn giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để đảm bảo hoàn thành bàn giao về SCIC chậm nhất là ngày 31/3/2019.

Nỗ lực chuyển giao trong quý 1

Tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 31/62 doanh nghiệp theo Quyết định 1232. Như vậy, 31 doanh nghiệp còn lại chưa được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh vẫn đang trong quá trình giải quyết và hoàn thiện thủ tục. Nhiều buổi làm việc trực tiếp giữa SCIC với các Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã góp phần thúc đẩy phần nào việc chuyển giao về SCIC.

Trong số các bộ ngành địa phương có doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC, Bộ Công thương được đánh giá là cơ quan chủ động và tích cực nhất trong việc bàn giao theo Chỉ thị 01. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1232/QĐ-TTg và Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 24/2/2019, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo đó, 5 doanh nghiệp thuộc Bộ phải bàn giao sang SCIC ngay trong quý I/2019 đã được xác định rõ bao gồm: Tổng công ty thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty Cổ phần Nông thổ sản Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng.

Đến thời điểm này, chỉ còn 1 tháng nữa là tới thời hạn mà 5 doanh nghiệp thuộc Bộ công thương sẽ thực hiện chuyển giao về SCIC theo đúng cam kết, mọi công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao vẫn đang được các bên gấp rút hoàn tất.

Năm ngoái, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các vụ chức năng của Bộ Công thương, 2 doanh nghiệp có quy mô lớn gồm: Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng công ty nhựa Việt Nam (Vinaplast) đã hoàn thành chuyển giao từ Bộ Công thương về SCIC. Trong danh sách doanh nghiệp đã được thống nhất tại cuộc họp liên ngành ngày 6/12/2017, Bộ công thương sẽ còn gần 10 doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao, trong đó có 5 doanh nghiệp đã thoái vốn, 3 doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn và các trường hợp khác. Đó là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon); Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE).

Nâng cao hiệu quả thông qua một đầu mối

Câu chuyện chậm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, bên cạnh những trục trặc kỹ thuật như doanh nghiệp đang vướng mắc về tài chính chưa xử lý xong, hay có những doanh nghiệp "vốn chủ sở hữu đã âm rồi thì không biết phải chuyển giao cái gì", thì nguyên nhân cơ bản vẫn là bộ muốn giữ, địa phương chưa muốn rời ra. Có một số địa phương đã từng đề nghị được giữ lại một vài doanh nghiệp vì lý do "giữ lại để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương". Nhìn lại số lượng các văn bản thúc giục của Chính phủ về vấn đề chuyển giao doanh nghiệp cho SCIC nhiều năm qua và tiến độ thực hiện, có thể nói rằng, việc chưa có chế tài, không có áp lực khiến các nơi vẫn chưa muốn mất đi quyền của ông chủ.

PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thẳng thắn nói rằng, chưa chuyển giao chỉ bởi "phía trước là lợi ích, phía sau vì sân sau, không thực hiện thì cũng chẳng phải chịu trách nhiệm". Còn TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cũng thừa nhận rằng, chậm chuyển giao doanh nghiệp về cho SCIC là vấn đề của nền kinh tế, vấn đề của tái cơ cấu tổng thể chứ không phải là vấn đề riêng của SCIC. Sự chậm trễ chuyển giao thế này là thể hiện sự giằng xé về lợi ích, là vì tư tưởng chưa muốn và kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Tình trạng này cho thấy vì sao tái cơ cấu nền kinh tế chậm.

Mục tiêu chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là thống nhất một đầu mối quản lý, thực hiện yêu cầu tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, UBND; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước thông qua một tổ chức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp; góp phần cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước và năng lực cạnh tranh.

Đó là chưa kể, việc giao cho SCIC làm đầu mối duy nhất chủ trì vấn đề thoái vốn sẽ đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như thuận lợi trong việc chỉ đạo cân đối thu ngân sách nhà nước. Cùng với cơ chế đặc thù cho hoạt động thoái vốn, khác với các bộ ngành và UBND cấp tỉnh, như: hạ giá khởi điểm, bán dưới mệnh giá…, khi được giao làm đầu mối thoái vốn duy nhất, SCIC sẽ thuận lợi trong tính toán thời điểm thoái vốn nhà nước, cách thức tiếp cận thị trường để đảm bảo tính khả thi khi triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp trong danh mục được giao. Đây là yếu tố quan trọng tạo hiệu quả trong việc điều tiết cân bằng cán cân cung cầu, tạo sự cạnh tranh tích cực trong công tác thoái vốn nhà nước.