Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 1
Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 2

Xin ông cho biết đâu là những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có ba khó khăn căn bản.

Thứ nhất, khó khăn về tiếp cận đất đai đối với đơn vị sản xuất, còn với các đơn vị kinh doanh là tiếp cận mặt bằng. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng việc cải thiện chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ.

Đơn cử với những doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất khó khăn vì diện tích trong các khu công nghiệp tối thiểu 5.000m trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần 500m, đây là khó khăn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không phải lỗi của chủ đầu tư các khu công nghiệp mà theo cơ chế thị trường.

Các chính sách về “vườn ươm” doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng vướng, họ chưa tìm ra được chỗ nào để doanh nghiệp dựa vào sự hỗ trợ để phát triển đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, khó khăn trong tiếp cận vốn. 80% doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, trong đó hơn 30% doanh nghiệp rất khát vốn nhưng lại không tiếp cận được vốn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện đặt ra, như giấy tờ, phương án kinh doanh, điều kiện đủ trong hoạt động kinh doanh, độ minh bạch. Đây là vấn đề lớn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chuẩn mực tín dụng lại không thể “đi” theo doanh nghiệp. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tụt hậu so với thế giới chủ yếu là do khả năng tiếp cận vốn kém (đặc biệt là vốn trung và dài hạn).

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ điều này, như thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng nguồn lực cũng không có, thủ tục hành chính, các quy định lại “bó chân, bó tay” hoạt động của Quỹ, không phát huy được vai trò của Quỹ. Hay Quỹ tín dụng bảo lãnh ở địa phương cũng vậy, quy mô nhỏ, làm việc không hiệu quả… Ngoài ra, tiếp cận các cơ hội kinh doanh khác như sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải cần vốn, mặt bằng cũng không tiếp cận được.

Thứ ba, khó khăn trong thực thi các thủ tục hành chính. Một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 3

Vậy theo ông Nghị quyết 02/NQ-CP được triển khai sẽ tháo gỡ những khó khăn trên của doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào?

Năm 2022 - 2023, cũng môi trường kinh doanh đó, cũng với những văn bản pháp luật đó, cũng thể chế đó nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương làm không tốt, rõ ràng đây là vấn đề ở trong khâu thực hiện, sự linh hoạt của cán bộ địa phương, họ dám nói, dám làm hay không.

Pháp luật Việt Nam ngày một tiến bộ, tiệm cận với thế giới nhưng chưa đồng bộ, nhiều điều chưa tương thích. Những quy định về quyền tài sản chưa tương thích với các luật trong phát triển kinh tế. Sự tương thích giữa chính phủ điện tử (dịch vụ công) và năng lực cụ thể của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có những hạn chế.

Nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành dựa trên đòi hỏi của thực tiễn từ người dân và doanh nghiệp, do đó, Nghị quyết có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết mang tính chất hối thúc hành động vì thực thi là khâu có nhiều vấn đề nhất. Một số cơ quan quản lý nhà nước gần đây “sợ sai” nên “đóng băng” hoạt động, do không đủ năng lực, khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời gian để được giải quyết thủ tục, thậm chí làm triệt tiêu cơ hội của doanh nghiệp…

Nghị quyết trả lời câu hỏi: chúng ta cần đạt được gì sau một năm? Đó là đặt mục tiêu làm cho môi trường minh bạch hơn, công bằng hơn và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Tôi rất lạc quan cho rằng Nghị quyết 02 cải thiện được những điều này, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết buộc các bộ, ngành, địa phương phải đạt được. Nghị quyết 02 được thực thi một cách nghiêm túc sẽ không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau.

Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu: chuẩn bị tài chính, nhân lực, lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán... Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn.

Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 4

Vậy, để Nghị quyết 02 năm 2024 thực sự thành công, theo ông cần phải làm gì?

Theo tôi thì cần phải làm rất nhiều, nhưng cần nhất là các địa phương phải linh hoạt. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có lớn mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền cấp tỉnh và thành phố. Các sở, ngành, địa phương cần vận dụng Nghị quyết 02 hết sức linh hoạt, thực sự coi trọng, thực sự muốn hỗ trợ doanh nghiệp, đây là điều cần đột phá ở Nghị quyết 02 năm nay, nếu điều này chuyển động được thì nhiều thứ theo sau được chuyển động. Bởi Nghị quyết 02 của năm 2021, 2022 đã có và tinh thần cũng vậy, nhưng ở nhiều địa phương, doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt, điều này nhìn thấy rõ ở những đánh giá về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ở những địa phương nào chính quyền quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, sáng tạo, linh hoạt, dám làm thì môi trường kinh doanh ở đó rất tốt.

Hơn nữa, cần nhấn mạnh tới vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành, là nơi thiết kế các quy định, thể chế, văn bản quy phạm pháp luật để địa phương thực hiện; do đó, việc hoàn thiện thể chế là rất cần thiết. Cùng với đó là đôn đốc, giám sát việc các sở, ngành, địa phương thực hiện. Doanh nghiệp gặp vướng mắc, địa phương không giải quyết được mà phản ánh lên trên thì cấp trên phải có hướng dẫn. Song các địa phương không nên né tránh trách nhiệm.

Trong những năm gần đây, vai trò trung gian của các tổ chức đại diện doanh nghiệp là hết sức nổi bật. Các liên hiệp, hiệp hội như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số hiệp hội khác đã phát huy rất tốt vai trò tổng hợp thông tin, phản ánh và phản biện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thậm chí là cả thuận lợi cần được phát huy từ doanh nghiệp tới Nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề mà chính các hiệp hội cũng đang gặp phải là sự vào cuộc của họ chỉ mang tính cục bộ, có thời điểm, dẫn đến không ít nội dung chưa thể tìm hiểu một cách thấu đáo. Vì lẽ đó, để các hiệp hội thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thường xuyên tham vấn VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội khác trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Phương án tối ưu nhất là các hiệp hội có thể tham gia từ đầu.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai kết quả cải cách hành chính theo chuyên đề để các hiệp hội và người dân có thể cùng theo dõi, góp ý.

Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 5

VnEconomy 13/03/2024 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2024 phát hành ngày 11/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thực hiện Nghị quyết 02: Vai trò của địa phương rất quan trọng  - Ảnh 6