10:54 03/07/2022

Tồn đọng 7.686 vụ vi phạm về đê điều và hành lang thoát lũ chưa được xử lý

Chu Khôi

Năm 2021, mặc dù không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhưng hệ thống đê điều tiếp tục xảy ra 73 sự cố. Trong 6 tháng năm 2022, mặc dù chưa có bão lũ nhưng vẫn xảy ra 20 sự cố đê điều trên cả nước…

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội nghị Tập huấn Kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, diễn ra hôm 1/7, thực trạng xuống cấp về đê điều đã được đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai cảnh báo ở mức báo động. 

ĐÊ ĐIỀU XUỐNG CẤP, VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG

Ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), cho biết hiện hệ thống đê điều ở nhiều nơi xuống cấp rất đáng báo động. Cụ thể, trên cả nước hiện có: 242 trọng điểm, vị trí xung yếu đê điều; trên 296km đê thiếu cao trình thiết kế;  428km đê mặt cắt nhỏ hẹp; trên 174km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 352 cống dưới đê xung yếu; 241km kè bị xuống cấp, hư hỏng có diễn biến sạt lở.

Theo ông Tuyên, trong năm 2021 đã bố trí khoảng 440 tỷ đồng để tu bổ đê điều, đã thực hiện: gia cố mặt đê 127,5km; làm đường hành lang chân đê 8,5km; tu sửa 3,2km kè; sửa chữa, nâng cấp 46 kho vật tư, điếm canh đê; khoan phụt vữa gia cố thân đê 24,1km. Năm 2022, Ngân sách Nhà nước cũng cấp kinh phí khoảng 440 tỷ đồng cho tu bổ đê điều, nhưng hiện đang tổ chức phê duyệt Dự án theo kế hoạch.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ngoài tu bổ theo kế hoạch hàng năm, các năm 2020-2021 còn bố trí thêm 250 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách cho khoảng 35 sự cố về đê điều phát sinh trước, trong lũ. Năm 2022 tiếp tục bố trí 123 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các sự cố đê điều.

 

"Từ 1/2011 - 4/2022 đã xảy ra 11.256 vụ vi phạm về đê điều và hành lang thoát lũ. Đến nay đã xử lý 3.570 vụ, mới đạt 32%; hiện vẫn còn tồn đọng 7.686 vụ chưa được xử lý, chiếm tới 68% tổng số vụ vi phạm".

Ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều.

Đề cập công tác quản lý đê điều, ông Trần Công Tuyên cho hay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê.

“Nhiều địa phương triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà ở phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở bãi sông trong khi Quy hoạch tỉnh chưa được duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thẩm định nội dung thoát lũ, an toàn đê điều, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Tuyên nêu thực trạng.

Trong năm 2020-2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã ban hành trên 50 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý các vụ vi phạm về đê điều. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng công tác quản lý, sử dụng bãi sông hiện nay tại các địa phương, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều. Hàng tháng, Tổng cục đều có văn bản thông báo tình hình vi phạm nhưng kết quả xử lý còn hạn chế.

GIA CỐ, NÂNG CẤP KỸ NĂNG CHO LỰC LƯỢNG HỘ ĐÊ

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhận định rằng công tác quản lý đê, hộ đê chưa được coi trọng đúng mức.

“Trong công tác hộ đê việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều mang tính quyết định, tuy nhiên qua theo dõi những năm gần đây việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ”, ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Trần Quang Hoài, nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều. Các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định. 

 

"Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xảy ra. Lực lượng tham gia hộ đê còn lúng túng. Do hạn chế về biên chế nên nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý đê theo quy định của Luật Đê điều nên thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập".

Ông Trần quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu nâng cao năng lực, tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, kiểm tra ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và hộ đê phòng chống thiên tai cho lượng lượng chuyên trách quản lý đê điều.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2022 sẽ có khả năng xảy ra những cơn bão mạnh, trận lũ lớn, đe dọa đến an toàn hệ thống đê điều.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, sẵn sàng cho những tình huống bất lợi nhất, Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố trong việc kiện toàn lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn đê.

Tại hội nghị, lực lượng quản lý đê điều được tập huấn nhiều kỹ năng về: theo dõi hiện trạng hệ thống đê điều; rà soát, xác định trọng điểm xung yếu đê điều; tổ chức và kiểm tra việc triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm của các địa phương; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; trao đổi các bài học kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, các địa phương cũng có những ý kiến tham luận về bài học kinh nghiệm, thực trạng và kiến nghị giải pháp về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”, công tác tuần tra canh gác, ứng cứu hộ đê trong mùa lũ sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”; giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ duy tu, tu bổ đê điều; công tác lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh…