11:48 24/02/2022

Thiên tai tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên ngày càng cực đoan, bất thường

Chu Khôi

Trong những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên ngày càng cực đoan, bất thường. Miền Trung là nơi tập trung nhiều bão nhất so với cả nước, đây cũng là nơi có địa hình chia cắt, nhiều công trình thủy điện nên thiệt hại do thiên tai càng nặng nề…

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến vào chiều 23/2/2022.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến vào chiều 23/2/2022.

Chiều 23/02/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

MIỀN TRUNG HỨNG CHỊU NHIỀU THIÊN TAI

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố, là khu vực địa hình phức tạp, có trên 1.900 km bờ biển; hệ thống sông, suối dày đặc, ngắn, dốc với trên 740 sông. Đây là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta nhưng với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác.

Trong khi đó, đây là nơi có số lượng tàu thuyền lớn nhất cả nước, chiếm 60,83%, trong khi với 42 khu neo đậu có sức chứa 30.050 tàu/57.530 tàu, mới chỉ đáp ứng trên 50% nhu cầu. Khu vực này cũng là nơi nuôi trồng hải sản lớn nhất cả nước với trên 85.257 ha nuôi trồng, hơn 4.300 hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

 

Từ giữa tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ; trong đó bão số 9 (siêu bão Rai), mặc dù đã giảm cấp khi qua đất liền Philippines song vào biển Đông cường độ rất mạnh ở cấp siêu bão, được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm qua. Mưa lũ đã làm 37 người bị chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực ngày càng cực đoan, bất thường. Năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở; ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường, cho biết năm 2021, tại Việt Nam nhiệt độ trung bình trên toàn quốc tăng so với trung bình nhiều năm là 0,7 độ. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu tác động đến các thiên tai như làm cho bão mạnh hơn, xu hướng bão hoạt động ở phía Nam hơn, nên khu vực miền Trung là nơi tập trung nhiều bão nhất so với cả nước…

Về dự báo năm 2022, ông Cường nhận định sẽ có khoảng 10-12 cơn bão, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra bão có khả năng xuất hiện sớm. Từ Bắc Trung Bộ trở vào dự báo có tác động của bão từ tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 11, số lượng ở mức trung bình nhiều năm, chưa có dấu hiệu xuất hiện dồn dập như 2 năm trước. Năm nay sẽ xuất hiện mưa sớm ở cả Tây Nguyên và Trung Bộ, tuy nhiên, lượng mưa có thể ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO XÂY NHÀ CHỐNG THIÊN TAI

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tỉnh chịu ảnh hưởng của rất nhiều loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...). Tuy nhiên nhờ sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nên giảm thiểu được nhiều thiệt hại.

Thông tin về dự báo, cảnh báo được tuyên truyền, cũng cấp đến người dân một cách kịp thời để họ chủ động ứng phó. Tỉnh chú trọng xây dựng, tu bổ các nhà cộng đồng, đê, kè, hồ thủy lợi phục vụ phòng, chống thiên tai và sản xuất của người dân; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão để chủ động phòng tránh.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân thông qua Đề án sắp xếp dân cư khu vực miền núi với trên 7.000 hộ và kinh phí là trên 9.000 tỷ, đồng thời tỉnh cũng thực hiện tốt việc vận hành liên hồ chứa.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông thông tin, năm 2021, thiên tai đã làm thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nhân dân. Để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác năng cao năng lực phòng chống thiên tai; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai...

Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, cần phải đánh giá, rà soát vấn đề ngập lụt tại các tuyến được giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt là đất., hướng dẫn xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp...để có những giải pháp hiệu quả, từ đó nâng cao tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nội dung để công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Theo đó, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Các địa phương tiếp tục bố trí kinh phí, triển khai di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Đồng thời, xây dựng các nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai phù hợp với tập quán và đặc điểm thiên tai của địa phương.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã. Các địa phương triển khai hệ thống quan trắc giám át chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Về hồ chứa, cần rà soát, sửa đổi các quy định trong quy trình liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, nhất là công tác thông tin, phối hợp trong xả lũ. Chủ các hồ chứa xây dựng công cụ, thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động khí tượng thủy văn trên lưu vực phục vụ điều hành hồ.

Đối với đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, ông Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương tiếp tục đầu tư, củng cố hệ thống đê sông, đê cửa sông đảm bảo phòng, chống lũ triệt để ứng với tần suất chống lũ đã quy định; củng cố, nâng cấp đê biển đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế. Quản lý, bảo vệ các khu vực cồn cát được xác định làm nhiệm vụ đê biển.

Đồng thời, xây dựng lực lượng quản lý, cơ chế và thực hiện duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư, nhất là các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Các địa phương tổ chức nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể, giải pháp công nghệ mới xử lý các khu vực sạt sở nghiêm trọng.

 

Từ tháng 12/2021 đến 23/2/2022 đã xảy ra 9 đợt không khí lạnh. Đặc biệt đợt rét hại, băng giá từ ngày 19/2/2022 đến nay (dự báo kéo dài đến hết ngày 24/2), là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, mạnh nhất trong 40 năm cùng thời kỳ; nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -1,0 độ, thấp kỷ lục cùng thời kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, rét đậm, rét hại đợt vừa qua khu vực Bắc Bộ và Nghệ An (tính đến 17 giờ ngày 23/02/2022) đã làm: 3.567 con gia súc bị chết (2.171 con trâu, 869 con bò; 527 gia súc khác). Trong đó: thiệt hại nặng nhất là Sơn La chết 1009 con trâu, bò; Nghệ An chết 1073 con trâu, bò… Ngoài ra, trong đợt rét đầu tháng 2/2022, đã xảy ra 2 vụ ngạt khí do sử dụng than tổ ong để sưởi ấm làm 3 người chết, 3 người phải cấp cứu.

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai yêu cầu phải chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai