Thiên tai năm 2022 được dự báo sẽ khắc nghiệt
Năm 2021, thiên tai tại Việt Nam tuy không gây ra thiệt hại nặng nề như năm 2020 nhưng có thể đó là báo hiệu cho một năm thiên tai khắc nghiệt hơn trong năm 2022. Vì vậy, chúng ta cần chủ động, cần nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai của cộng đồng…
Trên đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành Phòng chống thiên tai năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022” diễn ra chiều 30/12/2021.
ƯỚC TÍNH THIỆT HẠI HƠN 5.200 TỶ ĐỒNG
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cho biết năm 2021, thiên tai trên thế giới tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại Việt Nam, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình; trong đó có 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
“Tuy nhiên, năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Năm 2020, tổng số người bị thiệt mạng và mất tích do thiên tai gây ra là 357 người, thiệt hại về kinh tế lên tới 39.945 tỷ đồng (tức là gấp gần 8 lần năm 2021)”, ông Luận thông tin.
Thống kê từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính giá trị thiệt hại trên 5.200 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai.
Khẳng định đã chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, nhưng Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận nhiều tồn tại và hạn chế trong công tác Phòng chống thiên tai hiện nay. Đó là, phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng.
Một số nhiệm vụ như: Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai; việc thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư, 3 năm thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ tại địa phương chưa thực hiện được do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nguy cơ lây nhiễm cao.
Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Phòng, Chống thiên tai Trung ương triển khai còn chậm, chưa hoàn thành. Nhiều hoạt động triển khai hiệu quả còn thấp do không tổ chức thực hiện trực tiếp được (triển khai trực tuyến); Công tác tổng hợp báo cáo có lúc còn chưa kịp thời.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, cơn bão mạnh nhất năm 2021 đi vào biển Đông là siêu bão Rai (bão số 9). Mặc dù đã giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào biển Đông thành cơn bão số 9 vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây có diễn biến phức tạp về hướng di chuyển, có cường độ mạnh trên biển Đông tác động tới khu vực có nhiều tàu cá đánh bắt trên biển, ven bờ và các hoạt động kinh tế khác.
Theo ông Cường, điểm đáng chú ý trong 2021, tình hình thiên tai trên thế giới vẫn diễn biến rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề ở ngay các nước phát triển, nơi có cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn.
Điển hình như siêu bão Ida đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở Đức và Bỉ vào tháng 7 gây thiệt hại 43 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với thiệt hại ước tính 17,6 tỷ USD, siêu bão Rai gây thiệt hại nặng nề cho Philippines… Tổng số người chết là hơn 16.000 người, thiệt hại hơn 105 tỷ USD.
Nhận định về năm 2022, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, tình hình thời tiết Việt Nam sẽ có xu hướng chuyển từ lạnh sang nóng, chuyển từ nhiều bão sang ít bão, tuy nhiên bão sẽ mạnh và cực đoan hơn. Mùa đông sẽ lạnh hơn, mưa lũ đến sớm và kết thúc sớm hơn.
THIÊN TAI BẤT THƯỜNG, CẦN “NÂNG CẤP” KHOA HỌC ĐỂ ỨNG PHÓ
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống Thiên tai nhận định: “Xã hội chúng ta có quy mô ngày càng lớn hơn, nhu cầu bảo vệ an toàn trước thiên tai ngày càng cao. Thiên tai ngày càng bất thường, cần theo kịp khoa học để ứng phó”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, năm 2021, thiên tai và bão gió ít đi nhưng thách thức nhiều hơn, tính chất vẫn phức tạp, hậu quả do thiên tai gây ra vẫn còn.
“Nhờ có tâm thế chủ động nên chúng ta đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt giảm thiểu chi phí cho xã hội để khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Đó cũng là kinh nghiệm để chúng ta triển khai trong những năm tiếp theo”, ông Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã và đang gây tổn thất rất lớn trên thế giới; nhiều quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ và năng lực phòng chống thiên tai song vẫn bị thiệt hại rất nặng nề.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 ở các nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Các thiên tai lớn như siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… vượt lịch sử có nguy cơ cao tác động đến nước ta, đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước.
“Đó là thách thức rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và công tác phòng chống thiên tai nói riêng, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Cũng nhận định năm 2022 được dự báo sẽ có tình huống thiên tai khó lường hơn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần tập trung vào 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó, khắc phục.
Từng giai đoạn cần chuyên nghiệp hóa hơn để trở thành quy trình của công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, từ thực tiễn phòng chống thiên tai, Tổng cục cần chủ động công tác tham mưu để cả hệ thống chính trị bắt buộc phải vào cuộc. Đồng thời cần tập trung nhiều hơn việc áp dụng khoa học công nghệ, số hóa, tự động hóa trong điều hành phòng chống thiên tai.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2021, Việt Nam phải đương đầu với 9 cơn bão. Tuy không gây ra thiệt hại nặng nề như năm 2020 nhưng có thể đó là báo hiệu cho một năm thiên tai khắc nghiệt hơn trong năm 2022.
“Chúng ta cần chủ động, cần nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai của cộng đồng. Những người làm công tác phòng chống thiên tai cần có lòng trắc ẩn vì mỗi cơn lũ dữ đến lại làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị, từ những “điểm đen”, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, các nhà khoa học, bằng khoa học công nghệ, cần phải xâu chuỗi những thông tin, số liệu qua từng năm để đưa ra những cảnh báo, dự báo biện pháp để chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan dự báo, ứng phó… cùng với sự hỗ trợ từ nguồn lực của các đối tác quốc tế, qua đó cải thiện công tác phòng chống thiên tai.