08:21 01/08/2023

TP.HCM: Thu hồi đất có thể xem xét bồi thường bằng đất khác

Ban Mai

Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều chương trình, giải pháp về gỡ vướng trong bồi thường, tái định cư. Tổng số tiền bồi thường cho các dự án đi qua TP.HCM đạt hơn 25.000 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (18/7/2003 – 18/7/2023) của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được tổ chức ngày 29/7/2023, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết giai đoạn 2014 -2020, nguồn thu từ đất đai của TP.HCM đạt 234.316 tỷ đồng, gồm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; phí, lệ phí...

Từ năm 2003 đến nay, Sở đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.670 dự án, với tổng diện tích hơn 17.856 ha, trong đó, có 835 dự án nhà ở với diện tích hơn 6.526 ha; 944 dự án sản xuất kinh doanh với diện tích hơn 6.706 ha và 859 dự án phúc lợi công cộng với diện tích hơn 4.559 ha.

Sở đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có sử dụng đất... góp phần giải quyết quỹ đất cho mục tiêu phát triển của thành phố, đảm bảo đời sống của người bị thu hồi đất, giữ ổn định và công bằng xã hội.

Tổng số tiền bồi thường cho các dự án đi qua TP.HCM thời gian qua là hơn 25.000 tỷ đồng. Sở đã thực hiện có hiệu quả vai trò thường trực Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hơn 2.400 trường hợp. Đồng thời, phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 400 dự án.

Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên khảo sát thực địa tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 3, làm việc trực tiếp với bốn địa phương, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết đến nay toàn thành phố thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức là 1.516.555 giấy, đạt tỉ lệ gần 92,5%; cấp cho cá nhân là 1.577.299 giấy, đạt hơn 99%.

Hiện, Sở đang rà soát, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, sở đã tiếp nhận quản lý các khu đất thu hồi, tổ chức đấu giá thành công 22 khu đất, 200 căn hộ và 592 nền đất, thu về cho ngân sách 5.191 tỷ đồng.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện Nghị quyết 98 trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Nghị quyết 98 cho phép khi thu hồi đất nếu hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng thì sẽ được xem xét bồi thường bằng đất khác. Đây là giải pháp rất tốt để tạo quỹ đất sạch, vừa phục vụ tái định cư, vừa phục vụ phát triển kinh tế cho thành phố.

“Việc bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Trước kia, thu hồi đất nông nghiệp không bố trí tái định cư, nhưng nay áp dụng việc hoán đổi này thì những trường hợp có đất nông nghiệp 100% có khả năng được đổi đất ở và sẽ được cấp giấy chứng nhận theo quy định”, ông Trực nói.

Còn theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2014-2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đóng góp hơn 177.000 tỷ đồng, ban hành hơn 750 quyết định giao thuê, chuyển mục đích sử dụng đất hơn 2.800 ha đất cho các mục tiêu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. 

“Hiện TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ngành tài nguyên và môi trường cần phải tập trung xây dựng dữ liệu đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực, nhất là thủ tục hành chính theo hướng dễ tiếp cận, dễ thực hiện cho người dân”, ông Mãi nhấn mạnh.

 

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Một trong những nội dung mới của Nghị quyết 98 là việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc bằng nhà ở và Thành phố có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.