Lo ngại về chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng không đủ bồi thường cho dân khi xây tuyến nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận
Còn nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khác nhau với dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 102 tỷ đồng không đủ bồi thường cho 211 hộ bị ảnh hưởng...
Ngày 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
CHỈ 11 HỘ BỊ DI DỜI, NGUỒN VỐN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG LÀ KHẢ THI
Cụ thể, về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có ý kiến cho rằng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 102 tỷ đồng có khả năng không đủ bồi thường cho 211 hộ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, việc tái định cư phân tán, dự kiến sử dụng hạ tầng các khu tái định cư hiện có của địa phương hoặc các quỹ đất do nhà nước quản lý, không xây dựng khu tái định cư riêng cho dự án.
Mặt khác, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết về thống nhất chủ trương thực hiện dự án có cam kết bố trí phần tăng thêm khi có phát sinh. Do vậy, nguồn vốn bố trí đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án là khả thi và đảm bảo khả năng cân đối được.
Về hướng tuyến của dự án, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về hướng tuyến để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, nên chọn hướng tuyến làm hầm xuyên núi để hạn chế đèo dốc, hạn chế mất rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng hướng tuyến được Chính phủ lựa chọn tuân thủ quy định về điểm khống chế, hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất rừng.
"Về ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án nêu rõ số hộ dân bị ảnh hưởng là 211 hộ, tuy nhiên chỉ có 11 hộ bị ảnh hưởng đến cấu trúc nhà phải di dời, các hộ còn lại chủ yếu là bị thu hẹp diện tích đất sản xuất, đất rừng với chi phí bồi thường không lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
So với hướng tuyến có làm hầm xuyên núi, tuy giảm được 10,3 km chiều dài đường nhưng phương án làm hầm lại tăng kinh phí lên 3,73 lần và chỉ giảm được 8,58 ha rừng. Đồng thời, việc làm hầm xuyên núi theo tính toán cũng không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật do địa hình dốc, chênh lệch 2 cửa hầm là rất lớn, chi phí vận hành hầm hằng năm cao không đáp ứng được tiêu chí hiệu quả kinh tế của dự án.
UỶ QUYỀN CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG
Thời gian và tiến độ thực hiện dự án, có ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027 là khá dài, nên điều chỉnh thời gian bắt đầu năm 2023, cố gắng hoàn thành trong năm 2025 cho phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo trình tự, thủ tục nhóm A thì việc rút ngắn thời gian thực hiện dự án là phù hợp.
Tuy nhiên, tiến độ dự án còn phụ thuộc vào việc bố trí nguồn vốn, phân kỳ đầu tư nguồn lực 808 tỷ đồng để thực hiện dự án được bố trí ở giai đoạn 2026-2030.
Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, xin Quốc hội cho phép quy định tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 - 2027 để phù hợp với phân kỳ bố trí vốn và thời gian bố trí vốn cho dự án theo quy định pháp luật về đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo, đôn đốc để rút ngắn tiến độ dự án; nếu cân đối, huy động được nguồn lực thì dự án sẽ hoàn thành sớm hơn.
Đối với cơ chế đặc thù cho dự án, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề phát sinh của dự án trong thời gian Quốc hội không họp vì chưa được quy định trong Luật Đầu tư công. Nếu có ủy quyền thì chỉ nên ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh đối với tiêu chí để dự án trở thành dự án quan trọng quốc gia.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án này có quy mô nhỏ, công trình cấp III, tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại thi công qua khu vực địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Vì vậy, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp sẽ tạo thuận lợi cho việc giải quyết những phát sinh nếu có.
Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, do pháp luật về đầu tư công chưa quy định cụ thể về việc ủy quyền nên cần thiết phải được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý khi triển khai thực hiện. Nội dung quy định về cơ chế đặc thù được thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.