Cho phép tôi tò mò hỏi: anh bắt đầu đam mê việc chiếu sáng và nghiên cứu về chiếu sáng từ khi nào?
Năm 18 tuổi, tôi nhập ngũ và được điều động bảo vệ biên giới Tây Nam, khi đó tôi vừa trúng tuyển đại học. Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, tôi được chuyển ngành về học Đại học Bách khoa theo kết quả bảo lưu của 10 năm trước. Trong thời gian đi học, tôi có mở một xưởng nhỏ làm kính màu ghép Stained Glass trang trí nội thất, trong đó có các loại đèn điện. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ngành nhiệt lạnh, tôi thành lập nhóm thi công cơ điện cho các dự án văn phòng, khách sạn, nhà ở… do nước ngoài đầu tư, trong đó có việc lắp đặt những loại thiết bị chiếu sáng.
Nhận thấy chiếu sáng là một ngành khá hay mà lại rất thiếu ở trong nước lúc đó, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu và quyết định mở một cửa hàng bán đèn cao cấp. Trong thời gian này, Việt Nam đang đổi mới nên nhiều hãng đèn đến tìm hiểu thị trường Việt Nam. Một hãng đèn Đức đã mời tôi đi thăm nhà máy và hội chợ quốc tế chiếu sáng ở Đức. Sau chuyến đi này, tôi nhận thấy chiếu sáng là một ngành nghệ thuật kết hợp với kỹ thuật, sẽ có khả năng phát triển không giới hạn.
Hồi đó và bây giờ, anh nhìn nhận về ngành công nghiệp chiếu sáng như thế nào?
Tại thời điểm mới quyết định đi theo con đường này, tôi nhận thấy nước ta có rất nhiều thiếu sót về thông tin, sản phẩm và các khía cạnh khác trong lĩnh vực này. Mặc dù công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhưng cảm xúc của con người vẫn sẽ mãi trường tồn và chính ánh sáng đã góp phần rất lớn trong điều đó. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu và các hãng đèn nổi tiếng trên thế giới, từ họ, tôi đã được truyền nguồn cảm hứng vô cùng lớn.
Từ những ngày đầu, tôi nhận thấy chiếu sáng không phải chỉ là sản phẩm mà là cách dùng sản phẩm đó như thế nào. Do đó, tôi đặt slogan cho Cara Lighting là “Giải pháp chiếu sáng cho bạn”, tức là dùng chiếu sáng để giải quyết vấn đề. Sau gần 30 năm kinh nghiệm, nhất là khi công nghệ LED được phát triển trong ngành chiếu sáng, thì chiếu sáng không chỉ là làm sáng, làm đẹp không gian mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc, sức khỏe của con người.
Phải chăng chính vì nhận ra điều này, nên anh luôn theo đuổi triết lý “ánh sáng hạnh phúc”?
Việc chiếu sáng có thể tác động tới quá trình sản xuất ra các hormone mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ, tâm lý tích cực và đó là nguồn gốc của “ánh sáng hạnh phúc”.
Chiếu sáng phục vụ con người tức là phải lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc chung là đưa nguồn ánh sáng thiên nhiên vào nhà càng nhiều và càng thuận tự nhiên thì càng phụ hợp với tâm trạng của con người hơn. Do đó, chúng tôi thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các sản phẩm, các công nghệ sao cho ánh sáng nhân tạo trở nên càng giống gần với ánh sáng tự nhiên thì càng tốt.
Riêng với doanh nghiệp, ánh sáng đóng góp gì trong việc gia tăng doanh thu và thu hút khách hàng?
Chiếu sáng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhất là trong những ngành liên quan đến cảm xúc của con người như khách sạn, nhà hàng, thời trang... Mắt luôn đi trước, chân bước đến sau. Khi bước chân vào cửa hàng, ấn tượng ban đầu của khách hàng sẽ được tạo ra bởi ánh sáng, khiến họ chú ý vào sản phẩm. Một khi họ cảm thấy sản phẩm đẹp mắt, họ sẽ tự tin trải nghiệm rồi mua luôn. Lúc đó giá cả chẳng còn là điều quan trọng nữa.
Nghe nói người ta thường gọi anh là “phù thủy ánh sáng”, anh nghĩ gì về danh xưng này?
Với tôi, ánh sáng là yếu tố rất quan trọng cho kiến trúc, nội thất.
Chiếu sáng ở đây là kể cả chiếu sáng tự nhiên chứ không chỉ là ngọn đèn, cho nên Cara Lighting cung cấp giải pháp chiếu sáng chứ không chỉ là bán đèn. Ai cũng biết thành phần một tô phở gồm những gì nhưng không phải cứ ra chợ mua đủ nguyên liệu về là có được tô phở ngon. Tôi chỉ là một người có cảm xúc với ánh sáng và kích thích được cảm xúc của người khác nhờ ánh sáng, vậy thôi!
Là một quân nhân trên chiến trường, rồi mới học đại học và trở thành doanh nhân. Theo anh, thương trường có giống chiến trường không?
Thương trường chắc chắn không thể so sánh như chiến trường nếu nói về sự cạnh tranh khốc liêt. Ở thương trường, nếu không có đối thủ cạnh tranh thì ta không có giá trị (vì không có sự so sánh), nên cần phải có đối thủ cạnh tranh, càng nhiều càng tốt để khách hàng có thể so sánh và hiểu được giá trị của ta…
Với một doanh nghiệp trong ngành kiến trúc, chiếu sáng, dường như việc kinh doanh sẽ mang nhiều tính nghệ thuật hơn là chuyện lỗ - lãi…
Kinh doanh phải có lãi mới tồn tại và phát triển được. Nhưng đối với chúng tôi, khi khách hàng hưởng được lợi ích từ sản phẩm và dịch vụ của mình thì mới gọi là có lợi nhuận. Có tiền về mà khách hàng và xã hội không nhận thấy giá trị mà mình mang lại thì không gọi là thành công. Đồng tiền phải thể hiện được năng lực của mình, phải thể hiện được giá trị, ý nghĩa, có thế mới làm mình vui. Ngay từ khi mới thành lập, tôi đã nói với anh em là chúng ta cần phải dùng trí tuệ để tạo ra giá trị khác biệt, sản phẩm chỉ là công cụ.
Khi làm bất cứ điều gì mà không cộng thêm giá trị của mình vào trong đó thì sẽ không bền. Anh đã cộng thêm giá trị của bản thân vào việc kinh doanh như thế nào?
Không những ngành kiến trúc và nội thất, trong tất cả các ngành kinh doanh đều cần có sự cạnh tranh và hợp tác. Cạnh tranh để nâng cao giá trị, thêm lợi ích cho khách hàng. Hợp tác để khai thác tài nguyên chung, không lãng phí và cùng phát triển. Trên thị trường kiến trúc và nội thất hiện nay ở nước ta vẫn còn tình trạng cạnh tranh bằng hạ giá thay vì nâng cao giá trị, thiếu sự hợp tác, nên doanh nghiệp thường khó phát triển bền vững.
Trong làm ăn, tôi coi trọng việc nhiều bên cùng thắng, cùng có lợi. Cạnh tranh trong thân thiện, coi trọng triết lý “Win-Win”, dùng trí tuệ để cạnh tranh, chứ không dùng thủ đoạn, như vậy khách hàng sẽ có lợi thực sự.
Quản lý kinh doanh là quản lý con người. Công ty của anh chắc hẳn cũng đã trải qua vài lần sóng gió vì “chảy máu chất xám”. Vậy anh đã vượt qua như thế nào?
Một nhân viên nghỉ việc, đối với tôi không xem đó là “chảy máu nhân lực”. Con người sinh ra ai cũng có tài nhưng cái tài chỉ được phát triển khi người đó trau dồi rèn luyện nếu gặp môi trường phù hợp thì sẽ được phát huy. Do đó, tôi không có quan niệm tìm cách giữ chân nhân tài trong quản lý nhân sự.
Tôi chỉ cố gắng tạo môi trường, tạo điều kiện để kích hoạt cái tài tiềm ẩn trong mỗi người phù hợp với hướng phát triển của công ty. Không nên giữ chân người tài khi công ty mình không phải là nơi mà họ có thể phát triển tài năng của mình. Đồng thời, người tài là người biết rõ mình là ai, mình giỏi gì và nhận ra môi trường nào là nơi mình có thể phát huy hết được. Họ sẽ tự chọn nơi nào mà họ thấy phù hợp.
Dưới góc độ “hưởng thụ” không gian sống, anh đã có giải pháp thực tế nào cho “tổ ấm” của mình về mặt chiếu sáng?
Ánh sáng phải có tính hợp lý, và có tính khoa học. Người ta thường quen với ánh sáng trong nhà mình nhưng ít để ý xem nó có đúng hay phù hợp không, cho đến khi có dịp tới một không gian khác, người ta lại cảm thấy thoải mái, dễ chịu lạ thường... Mặt khác, chiếu sáng chỉ có đúng, đủ và phù hợp, chứ không có chiếu sáng cao cấp hay bình dân.
Tôi đã nhiều lần trải nghiệm tại nhà, chỉ cần thay đổi cách chiếu sáng, sẽ có tâm trạng khác nhau. Nhiều thời khắc tâm trạng vui được duy trì nối tiếp, sẽ tạo nên một cuộc đời hạnh phúc.
VnEconomy 26/01/2025 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194