17:25 16/01/2024

Trình Quốc hội phân bổ gần 64.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 5 lĩnh vực

Trâm Anh

Ngày 16/1, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn và phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực gồm quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông...

Trong số đó, lĩnh vực giao thông được phân bổ 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án, chiếm 90% tổng số vốn.
Trong số đó, lĩnh vực giao thông được phân bổ 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án, chiếm 90% tổng số vốn.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và hội trường trong cùng ngày, sau đó biểu quyết thông qua vào sáng 18/1, trong phiên bế mạc kỳ họp.

5 BỘ, NGÀNH ĐƯỢC BỔ SUNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

Theo đó, 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được đề nghị phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực gồm quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông.

Trong đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm 500 tỷ đồng bố trí cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.

Quốc hội nghe tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, ảnh: Quochoi.vn.
Quốc hội nghe tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, ảnh: Quochoi.vn.

Lĩnh vực quản lý nhà nước 2.490 tỷ đồng bố trí cho Văn phòng Trung ương Đảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án cải tạo, sửa chữa nhà làm việc, nhà khách; Bộ Tài chính 1.490 tỷ đồng để đầu tư hai dự án, gồm dự án xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và dự án mua sắm máy soi hành lý và máy soi container di động cho hải quan nhằm hiện đại hoá công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Đáng chú ý, lĩnh vực giao thông được phân bổ 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, các dự án có tính liên vùng, các dự án kết nối các khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các dự án kết nối nội vùng để thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả kinh tế. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Về hoàn thiện thủ tục đầu tư, theo báo cáo, trong tổng số 50 nhiệm vụ, dự án có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn là 33.156,987 tỷ đồng có 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.

Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật...

Theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công, điều kiện bố trí vốn hằng năm là chương trình, dự án phải có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và được cấp có thẩm quyền quyết định. Căn cứ quy định nêu trên, để bố trí kế hoạch vốn hằng năm, dự án phải có Quyết định đầu tư. Thời gian phê duyệt quyết định đầu tư kể từ khi dự án có chủ trương đầu tư nhanh nhất là từ 6-8 tháng.

"Trong 50 nhiệm vụ, dự án, có 33 nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cần thời gian để làm quyết định đầu tư; 17 dự án chưa có chủ trương đầu tư", Bộ trưởng nêu rõ.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phân bổ kế hoạch năm 2024, 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, địa phương để thực hiện nhiệm vụ, dự án được bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn dự phòng chung khi đủ điều kiện theo quy định.

PHÂN BỔ TRÊN 2.500 TỶ ĐỒNG CHO EVN THỰC HIỆN DỰ ÁN CẤP ĐIỆN CHO HUYỆN CÔN ĐẢO

Chính phủ cũng trình Quốc hội phân bổ 2.526,16 tỷ đồng (trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng chưa phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho EVN để thực hiện dự án. Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình.

"Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất", Bộ trưởng cho biết.

Đến tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (sau thời điểm báo cáo Quốc hội Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV), do đó, toàn bộ số vốn 2.526,16 tỷ đồng dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15.

 

"Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của dự án cho EVN".

Báo cáo số 11/BC-CP Chính phủ trình Quốc hội.

Tại Phụ lục số III của Nghị quyết số 93/2023/QH15, trong tổng số 37.303,015 tỷ đồng chưa phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, dự kiến bố trí 2.526,16 tỷ đồng cho EVN .

Tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.950,156 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 2.526,16 tỷ đồng.

“Việc đầu tư cho dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 05 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 06 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 06 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.

“Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan”, Bộ trưởng lưu ý.