Ứng phó siêu bão, Ninh Bình - Thanh Hóa cấm biển
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi và đến khi bão tan...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã mạnh lên cấp 16, giật trên cấp 17. Hồi 14 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông; sức gió mạnh nhất cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão; mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Do đó, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 Yagi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã yêu cầu phát công điện cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời, yêu cầu, lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú an toàn, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi và đến khi bão tan.
Được biết, tỉnh Thanh Hoá có 6.116 phương tiện, 19.901 lao động nghề biển, hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Biển đông và tỉnh Thanh Hoá. Việc thực hiện cấm biển, kiên quyết không cho tàu thuyền rời bến là chủ trương đúng đắn để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản ngư dân.
Trước diễn biến phức tạp của bão Yagi, sáng 5/9 các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã chủ động nắm bắt, đôn đốc, chỉ đạo từng địa phương, đơn vị triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể xảy ra. Đặc biệt là khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín, công tác kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu đê điều, hồ chứa, các công trình đang thi công dở dang...
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến 9 giờ ngày 5/9 toàn tỉnh có 6.116 phương tiện, 19.901 lao động nghề biển. Trong đó, đã có 5.234 phương tiện, với 14.551 lao động; hiện còn 882 phương tiện với 5.350 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Biển Đông và tỉnh Thanh Hoá.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng. Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tích cực kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào các nơi tránh trú an toàn.
Để ứng phó với bão số 3, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó với cơn bão. Theo đó, yêu cầu các địa phương, không để người dân ở lại trên các chòi canh; sơ tán nhân dân khỏi các khu vực xung yếu, trũng thấp, không đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, tỉnh đã thông báo cho tất cả 119 phương tiện/267 thuyền viên, 218 lều chòi/347 lao động phía ngoài đê Bình Minh III về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão để có biện pháp phòng tránh.
Theo thông báo, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện lệnh cấm biển vào 13h ngày 5/9, đến 15h ngày 6/9, toàn bộ tàu thuyền, lao động sẽ vào nơi tránh trú bão an toàn.
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đã yêu cầu: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình đê điều, thủy lợi; kịp thời phát hiện các sự cố để có phương án đảm bảo an toàn. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra rà soát, chằng chống nhà cửa, kho tàng;
Tỉnh này yêu cầu UBND huyện Kim Sơn đặc biệt lưu ý tuyến đê biển Bình Minh 4; kiểm tra và triển khai phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu.