23:00 04/09/2024

Bão số 3 tiến gần, các tỉnh Bắc Trung Bộ khẩn trương triển khai ứng phó

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nằm trong khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng từ cơn bão 3, vì vậy, lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Trung Bộ đã khẩn trương triển khai công tác ứng phó...

Người dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh gặt lúa xanh "chạy bão" (Ảnh: Dương Nguyên)
Người dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh gặt lúa xanh "chạy bão" (Ảnh: Dương Nguyên)

Dự báo bão số 3 (bão Yagi) sẽ tăng cường độ lên rất mạnh, có thể lên đến cấp 15, giật trên cấp 17, sẽ độ bộ vào đất liền khoảng chiều tối 7/9/2024. 

Theo dự báo, khoảng đêm 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trên đất liền, từ gần trưa và chiều 7/9, từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh, trong đó Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh/thành phố dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9-11, giật cấp 13. Từ ngày 7 đến 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. 

Để chủ động ứng phó với bão số 3, lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Trung Bộ đã chỉ triển khai các công tác ứng phó, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương...

Dự báo đường đi của bão số 3.
Dự báo đường đi của bão số 3.

THANH HÓA ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC VỊ TRÍ BỜ BIỂN BỊ SẠT LỞ, XÂM LẤN TẠI HOẰNG HÓA

Tại Thanh Hóa, để chủ động ứng phó với bão số 3, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 Công điện chỉ đạo triển khai ứng phó đến các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát thông tin về diễn biến tình hình bão, mưa, lũ và các bản tin dự báo, cảnh báo, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Hiện toàn tỉnh này có 6.116 phương tiện/19.901 lao động. Trong đó, neo đậu tại bến 5.281 phương tiện/13.335 lao động; hiện còn 835 phương tiện/6.566 lao động đang hoạt động trên biển, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ 820 phương tiện/6.397 lao động; Nam Biển Đông 13 phương tiện/149 lao động; các vùng biển khác 2 phương tiện/20 lao động. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 3 (Yagi) và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì họp trực tuyến phòng, chống bão số 3
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì họp trực tuyến phòng, chống bão số 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu lực lượng chức năng liên quan, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm đưa về nơi tránh, trú bão an toàn; đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản; khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ. Trên đất liền, các địa phương chủ động tổ chức thu hoạch diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công, các vị trí bờ biển đang có diễn biến sạt lở, xâm thực trong tháng 8 vừa qua như: khu vực Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi chủ động công tác tiêu nước đệm, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp. Các ngành thành viên, địa phương thực hiện các biện pháp tiêu úng các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng.

NGHỆ AN KHẨN TRƯƠNG THU HOẠCH LÚA "XANH NHÀ HƠN GIÀ ĐỒNG"

Tại Nghệ An, chiều nay 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký công điện hỏa tốc số 34 chỉ đạo khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, tỉnh này có 2.833 phương tiện/13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 10 giờ ngày 4/9: Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến là 1.926 phương tiện/8.573 lao động; có 907 phương tiện/5.065 lao động đang hoạt động trên biển.

Trong đó, tại Hoàng Sa 135 phương tiện/523 lao động; tại Vịnh Bắc Bộ 459 phương tiện/3.377 lao động; hoạt động ven bờ tỉnh Nghệ An 296 phương tiện/1.025 lao động; hoạt động ngoại tỉnh 17 phương tiện/140 lao động. Không có tàu cá hoạt động trên vùng nguy hiểm và không có tàu cá không liên lạc được. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão.

Nghệ An có trên 1.061 hồ đập lớn nhỏ, hiện có 57 hồ đầy nước, 322 hồ mực nước trên 70% và 527 hồ có dung tích từ 40-70%. Các hồ lớn do các công ty thuỷ lợi quản lý đã tiến hành kiểm tra, vận hành thử, sẵn sàng phương án vận hành theo quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó có 8 hồ đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng, Sông Quang, Khe Thơi.

Người dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) thu hoạch lúa trước khi bão đến
Người dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) thu hoạch lúa trước khi bão đến

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã thu hoạch 38.887 ha/tổng diện tích 76.481 ha lúa Hè thu, hiện các địa phương đang khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đã gieo trồng được hơn 5.000 ha cây vụ Đông. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 20.298 ha; có 4.040 lồng, bè, dàn. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Đáng lưu ý, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi, nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn; hiện nay các địa phương đã xây dựng với các kịch bản để ứng phó. Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.

Để chủ động ứng phó, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên quan tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

HÀ TĨNH KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH HUỐNG BẤT NGỜ

Tại Hà Tĩnh, chiều 4/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 3.

Tính tới 4/9, thu hoạch vụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 95,8% (43.000/44.878 ha), diện tích còn lại khoảng 1.800 ha chưa thu hoạch tập trung chủ yếu tại Lộc Hà, Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân, thị  Hồng Lĩnh. Sản lượng nuôi thủy sản chưa thu hoạch ước đạt 6.534 tấn.

Tới nay, tỉnh này 3.056 tàu thuyền đánh bắt trên biển với 9.740 lao động đã cơ bản nắm bắt được thông tin về bão số 3, có phương án cập bến tránh trú bão an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 3.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 3.

Đánh giá bão số 3 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, trong khi những năm gần đây Hà Tĩnh ít có bão đổ bộ trực tiếp nên có thể dẫn tới việc chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến bão số 3 để sẵn sàng phương án ứng phó, cảnh báo tới người dân, tuyệt đối không để xảy ra tình huống bất ngờ, bảo vệ tính mạng và tài sản cho Nhân dân.

Phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa bão; đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành thu hoạch lúa hè thu; có phương án di dời dân cư vùng nguy hiểm; phối hợp tốt trong việc vận hành điều tiết mực nước các hồ thủy lợi.

Kêu gọi tất cả tàu thuyền đánh bắt trên biển vào tránh trú bão; chủ động kế hoạch, phương án sơ tán người dân trên các phương tiện tàu, thuyền nơi neo đậu, trên các lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn; tổ chức các đoàn kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trọng điểm, nhất là các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công.

Các lực lượng: công an, quân sự, biên phòng sẵn sàng phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai quân số, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.