Vải thiều Lục Ngạn – Đừng giải cứu, hãy hỗ trợ!
Những nỗi lo của vùng vải thiều Lục Ngạn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là có thật nhưng có đến nỗi phải "giải cứu" như nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi những ngày vừa qua...
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là Vải thiều Lục Ngạn bắt đầu vào mùa thu hoạch. Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng, những nỗi lo là có thật, nhưng những nỗi lo ấy có đến nỗi phải “giải cứu” như nhiều cá nhân, hội nhóm lên mạng xã hội hô hào trong vài ngày vừa qua?
Xin hãy bình tĩnh đọc, đừng vội phản đối. Tôi viết bài này từ góc độ của chính một người trồng vải, của một người con xa xứ của Lục Ngạn và của một người tiêu dùng.
AI KÊU CỨU MÀ GIẢI CỨU?
Nếu để ý, chúng ta có thể nhận ra một thực tế là người đất vải chưa từng lên tiếng kêu cứu về vấn đề tiêu thụ vải thiều. Các vụ mùa trước cũng thế, vụ vải năm nay cũng thế. Lý do giải cứu là bởi dịch bệnh Covid-19 đang khốc liệt ở Bắc Giang, ý nghĩa đó đúng, nhưng với riêng vải thiều Lục Ngạn thì không. Tôi sẽ giải thích nhiều vấn đề để từ đó mọi người có thể hình dung được.
Trước khi viết bài này, tôi cũng đã liên hệ đến lãnh đạo huyện Lục Ngạn. Đại diện chính quyền địa phương cũng cho rằng “tình hình chưa đến mức phải giải cứu”. Nói như vậy không đồng nghĩa nông sản Bắc Giang nói chung và vải thiều Lục Ngạn nói riêng không cần hỗ trợ. Vấn đề ở đây là hỗ trợ trên một góc độ khác, có quy mô và khoa học chứ không phải chuyện giải cứu như nhiều cá nhân vẫn nghĩ, vẫn làm. Đừng ai đó vội vàng bĩu môi rằng “thế thì mặc xác”.
GIẢI CỨU ĐƯỢC KHÔNG?
Tại sao tôi lại nói là đừng giải cứu, bởi lẽ, có giải cứu cũng không được và thậm chí còn tác dụng ngược.
Vậy tại sao lại không thể giải cứu được? Tôi mạn phép “kể lể” để mọi người dễ hình dung bối cảnh.
Quy mô vùng vải Lục Ngạn
Vụ Vải thiều Lục Ngạn năm nay ước tính đạt sản lượng khoảng 120.000 tấn. Và lưu ý rằng, 120.000 tấn đó chỉ thu hoạch trong khoảng thời gian dài nhất đến 40 ngày. Trong khi đó, chỉ có hầu như một tuyến đường duy nhất phục vụ thông thương là Quốc lộ 31. Từ huyện Lục Ngạn lên Lạng Sơn còn một tuyến đường vắt ngang sang địa phận huyện Đồng Bành – Đồng Mỏ nhưng tuyến đường đó phải vượt đèo nên coi như bỏ qua.
Vào vụ Vải thiều, toàn bộ nhân lực của huyện phải huy động để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh, từ giải toả ùn tắc đến quản lý thị trường, kiểm soát tình trạng gian lận thương mại, trộm cắp… Rất nhiều việc phải làm.
Riêng về giao thông, giả sử ai đó muốn lên Lục Ngạn chơi vào vụ vải, họ cần khởi hành từ 3-4 giờ sáng. Nếu muộn hơn, có thể phải sang buổi chiều mới đến nơi. Tuyến đường dài khoảng 20km từ phố Kim lên trung tâm xã Phì Điền đều chật kín xe đầu kéo chở vải.
Thử hình dung chỉ có 40 ngày để tiêu thụ hết 120.000 tấn vải thì thực tế căng thẳng và chật chội đến mức nào.
Từ đó, có hai vấn đề liên quan chuyện giải cứu.
Một là, các cá nhân, hội nhóm giải cứu được bao nhiêu và thấm gì với những con số nêu trên.
Hai là, những chuyến xe vài tạ đến 1-2 tấn của nhóm giải cứu sẽ chỉ làm rối thêm tình trạng giao thông và hoạt động mua bán mà thôi. Trong khi đó, giao thông rất cần thông thoáng để những chuyến xe chở 10-15 tấn vải lên đường. Còn vài vấn đề nữa nhưng tôi sẽ đề cập ở phần sau.
Vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ ở đâu?
Có 4 lực lượng chính tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn.
Thứ nhất là xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Mỹ… Đây là thị trường tiêu thụ các mã vải đẹp và tốt nhất ở Lục Ngạn. Tuy nhiên, lượng vải xuất khẩu sang các thị trường này không nhiều, chỉ vài trăm tấn. Theo kế hoạch năm nay của địa phương, lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản dự kiến sẽ đạt 1.400 tấn. Ý nghĩa chủ yếu của việc xuất khẩu sang các thị trường này là vấn đề thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… chứ chưa quan trọng về số lượng.
Thứ hai là xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là lực lượng tiêu thụ vải thiều tươi lớn nhất. Cũng cần nói rõ rằng, ngoài vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia thì vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc luôn có giá tại vườn cao nhất. Người trồng vải luôn muốn sản phẩm của mình được các thương lái Trung Quốc lựa chọn. Hiện nay, các thương lái Trung Quốc đều trực tiếp sang thu mua để kiểm soát chất lượng vải thiều.
Thứ ba là tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước, chủ yếu là TP.HCM. Rất kỳ lạ là người dân Hà Nội lại hiếm khi được ăn vải thiều chuẩn Lục Ngạn, ngoại trừ vào các siêu thị lớn, và đây cũng chính là một trong những điều lo lắng của tôi khi thấy nhiều cá nhân kêu gọi giải cứu vải thiều.
Thứ tư là vải thiều sấy khô và chế biến. Khi ba lực lượng phía trên tiêu thụ hết các mã vải chất lượng cao hơn thì số còn lại có mẫu mã không đẹp bằng sẽ được đưa vào hệ thống hàng nghìn lò sấy. Cùng với sấy khô là vải thiều dùng để chế biến nước hoa quả, dấm vải…
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc rằng vậy vải tôi mua ở chợ, mua của các bà hàng rong thì từ đâu?
Trả lời là, vải thiều không chỉ trồng ở Lục Ngạn mà còn nhiều vùng khác. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay rơi vào khoảng 180.000 tấn, nghĩa là trừ đi 120.000 tấn của Lục Ngạn thì còn rất nhiều vải ở các vùng khác. Ngoài Lục Ngạn còn một huyện trồng vải chất lượng rất tốt khác là Tân Yên. Người nông dân ở các vùng vải này mà có vườn vải đẹp thì thường sẽ mang lên Lục Ngạn tiêu thụ để được giá cao hơn.
Tại sao giá vải ở Lục Ngạn luôn cao hơn các nơi khác? Ở góc độ kinh tế, khi vào vùng vải sản lượng lớn, thương lái chỉ cần thu mua trong buổi sáng là đủ hàng nên họ sẽ tập trung ở đó thay vì đi gom nơi khác lúc thừa lúc thiếu. Số còn lại sẽ lên “xe cóc” toả đi khắp nơi bán lẻ.
Bạn sẵn sàng bỏ tiền túi để giải cứu?
Giải cứu nông sản luôn có nhiều vấn đề. Bài học về giải cứu dưa hấu cũng đã cho thấy điều đó. Khi giải cứu, không ít người nông dân sẽ thu hái toàn bộ rồi chuyển cho nhóm tình nguyện, trong khi dưa hấu cần đạt độ chín mới thu hoạch. Kết quả, nhiều người mua về nhưng không ăn nổi. Nông sản nào cũng vậy thôi.
Riêng với vải thiều thì còn nhiều vấn đề hơn.
Đầu tiên là hao hụt. Vải thiều là một trong những mặt hàng nông sản bị hao hụt lớn nhất khi tiêu thụ. Với 1 tạ vải thiều bạn nhận từ người nông dân, khi mang đến Hà Nội, nó sẽ hao hụt khoảng 5-7%, tức là bạn sẽ phải bù vào đó 5-7 cân.
Tiếp theo là gãy rụng, dập nát. Nếu bạn chở bằng xe tải nhỏ, trong quá trình di chuyển rất nhiều quả vải sẽ rời cuống, nhiều quả vải sẽ bị dập nát. Bạn sẽ bù vào thế nào?
Khi bạn đưa cho người mua túi vải có nhiều quả gãy rụng, dập nát thì họ sẽ nghĩ ra sao?
Tôi xin kể 1 câu chuyện nhỏ. Vào năm 1997, thời điểm giá vải thiều Lục Ngạn ở mức rất cao, khoảng 13.000-14.000 đồng/kg. Anh bạn hàng xóm có buôn vải từ Lục Ngạn xuống chợ Long Biên. Giá nhập vào của anh là 13.000 đồng, giá anh bán tại chợ Long Biên là 20.000 đồng, lãi chưa ạ? Cuối cùng, anh đã may mắn không lỗ chứ chẳng lời lãi đồng nào chỉ vì vấn đề hao hụt.
Đó là vải đi bằng xe cóc đến các thị trường gần (bán kính 100km đổ lại), còn với vải vào TP.HCM thì câu chuyện hoàn toàn khác. Các thương lái phải chịu hàng loạt chi phí khác mà những chi phí đó, tuỳ thời điểm có thể bằng tới 50% giá trị vải thiều. Mỗi một điểm thu mua cần cả chục lao động, từ bốc xếp, cắt râu vải gọn gàng, đóng hàng, lên hàng; các chi phí thùng xốp, đá cây, băng keo và chi phí vận chuyển bằng xe lạnh…
Bản thân thương lái vải thiều chuyên nghiệp cùng thường xuyên lỗ chổng vó chứ đâu dễ dàng. Vì vậy, bạn giải cứu thế nào nếu không sẵn sàng bỏ tiền túi bù vào. Chưa kể, giá vải biến động theo giờ và bạn sẽ không thể ứng phó kịp.
HÃY HỖ TRỢ, ĐỪNG GIẢI CỨU
Như đã đề cập ở trên, nếu bạn đến giữa vùng vải thu mua rồi mang đi “giải cứu” thì sẽ chỉ làm vướng chân mà thôi.
Còn nếu bạn đi gom những vải chất lượng thấp, gắn mác vải Lục Ngạn rồi mang đi bán “giải cứu” thì là bạn đang làm hại người nông dân Lục Ngạn.
Người Lục Ngạn đã tốn rất nhiều công sức để trở thành người làm vườn chuyên nghiệp. Địa phương đã góp bao công lao để làm nên thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" chất lượng và có giá cao. Tự dưng bạn lại mang những vải chất lượng thấp đi bán rồi kêu “giải cứu vải Lục Ngạn” thì vô hình trung, bạn đang kéo giá vải xuống thấp và điều đó hoàn toàn không ổn.
Ở Hà Nội những ngày tới đây, chúng ta sẽ gặp rất nhiều xe cóc, nhiều xe bán vải thiều rong. Mặc kệ họ treo bảng vải gì, bạn hãy mua, cứ mua đừng mặc cả và đó đã là ủng hộ người nông dân rồi. Tất nhiên, nếu vô tình bạn vớ được một túm vải chuẩn, bạn sẽ ngã ngửa ra rằng “thế vải tôi mua hôm trước là vải gì?”
Như tôi đã nói, ngoài Lục Ngạn thì Bắc Giang còn nhiều nơi khác trồng vải. Những nơi này, người nông dân không được điều kiện thổ nhưỡng ưu đãi, họ cũng không có điều kiện chăm sóc vải thiều đúng cách… khiến cho quả vải không chất lượng bằng và giá bán cũng không cao. Nhưng với nhiều vùng đồi núi Bắc Giang, dù chất lượng thấp hơn, giá không bằng vải Lục Ngạn hay Tân Yên thì Vải thiều vẫn là thứ cây cho giá trị kinh tế cao hơn trồng sắn, trồng ngô, trồng dứa hay bạch đàn, keo lá chàm… Họ rất cần mọi người ủng hộ nhưng không đồng nghĩa hàm ơn với từ “giải cứu”.
Còn với những vùng trồng chuyên nghiệp như Lục Ngạn và nhỏ hơn là Tân Yên, điều người nông dân cần là sự hỗ trợ từ chính quyền. Hôm qua, khi đoàn xe vải Lục Ngạn đến nơi, tỉnh Lạng Sơn đã cắt cử nhân lực ra cửa khẩu để hỗ trợ cho hơn 100 tấn vải sang Trung Quốc. Đó mới là hỗ trợ đúng người, đúng việc. Nói rộng ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai hay các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A đi qua cần tìm giải pháp thông thoáng cho xe vận chuyển nông sản. Khi huyết mạch được thông thì cơ thể sẽ khoẻ mạnh.
Khi dịch bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn được khống chế, điều khiến người dân Lục Ngạn lo lắng nhất là thu hoạch vải thiều thế nào. Việc nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, ngay ở Lục Ngạn cũng đang phải duy trì khu cách ly thì vào vụ vải, nhân lực đâu để thu hoạch rồi bốc xếp, đóng hàng. Mỗi vụ vải, nhu cầu nguồn nhân lực ở Lục Ngạn luôn rất lớn mà công việc thì vất vả, không phải ai cũng làm được.
Vì vậy, hãy hỗ trợ chứ đừng “giải cứu”.