00:00 02/06/2011

Vân Phong và triển vọng cho bất động sản du lịch

Bảo Anh

Với nhiều lợi thế về vị trí, địa hình và khí hậu, Vịnh Vân Phong đang được kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư bất động sản du lịch

Một góc Vịnh Vân Phong.
Một góc Vịnh Vân Phong.
Nằm ở cực Đông đất liền của Việt Nam, cách hải phận quốc tế 14 hải lý, gần các tuyến hàng hải quốc tế, Vịnh Vân Phong là khu vực có vị trí địa lợi lớn nhất không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước trong khu vực.

Đây thực sự là một ưu đãi của thiên nhiên đối với Việt Nam không chỉ ở giá trị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng mà nó còn mang lại những giá trị kinh tế to lớn khi Chính phủ quyết định xây dựng nơi đây thành một khu kinh tế, trong đó trọng điểm là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Vào ngày 9 -10/6 tới đây, một hội thảo quốc tế với chủ đề “Khánh Hòa - Vận hội đầu tư và phát triển” sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang. Những kỳ vọng về thu hút đầu tư vào bất động sản du lịch tại khu vực Vịnh Vân Phong được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xem như mục tiêu chính của hội thảo.

Ưu việt về vị trí

Nằm  trên ngã ba đường hàng hải quốc tế tuyến Châu Âu - Bắc Á, Châu Úc -   Đông Bắc Á và tuyến Manila – Panama, Sanfrancisco(Mỹ) hoặc Victoria (Canada), Vân Phong là vịnh tự nhiên có mớm nước sâu trung bình 25 - 30 m được che chắn bởi các dãy núi tự nhiên, là nơi dừng chân thuận lợi cho các loại tàu biển siêu trọng trên tuyến hàng hải quốc tế.

Tổng diện tích của Vân Phong là khoảng 41.000 ha mặt nước, có độ sâu từ 10 - 40m, kín gió và không bị bồi lấp. Riêng Vũng Đầm Môn rộng 3500ha, hoàn toàn kín gió với độ sâu 20m, có lạch Cửa Lớn với bề rộng hơn 950m, sâu trên 18m và lạch Cửa Bé rộng trên 700m, sâu hơn 27m.

Đây cũng là khu vực có hệ sinh thái còn hoang sơ, đa dạng, với nhiều cảnh sắc phong phú, có điều kiện thiên nhiên ưu đãi với những dải cát trắng, thoải ven bờ, với đầm tĩnh lặng sóng, với khí hậu ôn hòa bốn mùa có nhiệt độ trung bình 22-25oC . Mây và gió hòa quện, tạo nên một “Vân Phong” Mây và gió hữu tình hấp dẫn. Biển kề cận với núi tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình.

Với lợi thế so sánh hơn hẳn các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung bộ, Khánh Hòa đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý điều hành dự án và kinh doanh có hiệu quả; nhiều khách sạn được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao như Vinpearland, Novotel, Sheraton, Evasion Six Senses Hideway...

Ở khu vực Bãi dài, hầu hết phần diện tích phía Đông đại lộ Nguyễn Tất Thành (giáp Biển) đã được UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư lập dự án tại đây, hiện có 5 nhà đầu tư đã được cấp phép xây dựng, các nhà đầu tư còn lại đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang tiến hành các bước xin cấp phép xây dựng.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa, phát triển du lịch, dịch vụ đã thực sự kéo theo sự phát triển của mô hình bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1 tỷ USD và 11.491 tỷ đồng, diện tích chiếm đất khoảng 2.200 ha.

Hiện một số dự án lớn đang lập thủ tục đầu tư xây dựng như: Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm, Khu du lịch cao cấp Hồ Na Vân Phong, Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh, Khu du lịch sinh thái Bãi Cá Ông, Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai, Khu trung tâm dịch vụ hỗn hợp và du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang…

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, hiện khu vực Vân Phong vẫn còn nhiều vị trí có thể phát triển mô hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nên tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở nghiên cứu đề xuất địa điểm của nhà đầu tư và trên cơ sở hoàn thiện quy hoạch ngành (một số khu vực có diện tích lớn chưa quy hoạch như bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn).

Và những thách thức lớn

Theo TS.Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Vân Phong có nhiều ưu thế, được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt của Chính phủ hiện nay, song điều đó không có nghĩa là khu vực này không tồn tại những hạn chế, thách thức.

Một trong những thách thức lớn nhất đó chính là chưa đảm bảo tính liên kết vùng. Vịnh Vân Phong thuộc khu vực Bắc Khánh Hòa, giáp ranh với tỉnh Phú Yên, nên để phát triển đồng bộ Vịnh Vân Phong cần có sự hợp tác liên kết với nguồn nước thuận lợi của Phú Yên, cần có sự chia sẻ sử dụng tiềm năng sân bay Đông Tác.

Bên cạnh đó, trong khi khu vực Vịnh Vân Phong có quỹ đất hậu cảng rất hạn chế, thì vực Nam Phú Yên có quỹ đất thuận lợi cho phát triển công nghiệp hậu cảng và những ngành công nghiệp phụ trợ khác. Chỉ tiếc rằng, đến nay sự liên kết này vẫn chưa được hai địa phương xúc tiến

Một hạn chế lớn của vịnh Vân Phong nữa, đó chính là tình trạng cạnh tranh đầu tư không lành mạnh. Các chủ đầu tư tranh thủ đăng ký đầu tư dự án nhưng không thực sự tập trung đầu tư, chủ yếu chiếm giữ đất để kinh doanh nhằm cuyển nhượng kiếm lời.

Do đó nhiều hầu hết diện tích quy hoạch đều có chủ đầu tư đăng ký nhưng tiến độ xây dựng cơ sở vật chất quá chậm gây lãng phí giá trị thời gian vật chất tiềm năng…

Cũng theo TS.Đỗ Tú Lan, hiện khu vực Vân Phong nhìn chung vẫn thiếu đầu tư hạ tầng khung vùng phát triển. Mặc dù Nhà nước đã có đầu tư đường chính vào khu vực VVP quy mô vừa, một số hạng mục. Tuy nhiên để đáp ứng tính đồng bộ cho một khu vực kinh tế tập trung hiện đại là chưa đáp ứng cả về tiến độ và quy mô và kỹ thuật, do đó các nhà đầu tư thứ cấp cũng cầm chừng.

Đặc biệt, hạn chế của vịnh Vân Phong chính là thiếu sự thống nhất trong ý tưởng phát triển. Với tiềm năng lợi thế không đâu sánh được của vịnh Vân Phong cho các loại hình phát triển. Song hiện nay, chính quyền nơi đây vẫn dường như đang đứng trước ngã ba đường của việc lựa chọn loại hình đầu tư có lợi trước mắt (nguồn thu lớn, nhanh) nhưng có nguy cơ không bền vững lâu dài và loại hình có thể giữ gìn tương đối toàn vẹn hệ sinh thái khu vực nhưng nguồn thu kinh tế thấp.

Thậm chí có những loại hình có những nguy cơ ảnh hưởng môi trường trước mắt và lâu dài, do đó với thực tế trước cho thấy sự lúng túng và quyết sách của những nhà quản lý chậm trễ và thiếu đồng nhất. Từ đó dẫn tới sự đấu tranh giằng co giữa cái lợi trước mặt và lâu dài…

Trong khi đó, giới con mắt các doanh nghiệp, nha, cơ chế và mô hình đối tác đầu tư vào khu vực này cũng là vấn đề thách thức. Đối với một khu vực nhạy cảm và đầy tiềm năng như Vân Phong, cần có cơ chế tập trung một chủ đầu tư lớn, sau đó các nhà đầu tư thứ cấp tham gia theo có thể đảm bảo được tính đồng bộ quy hoạch.

Tuy nhiên do sự cạnh tranh đầu tư rất mạnh, mặt khác khó có chủ đầu tư có đủ tiềm năng kinh tế để đầu tư một cách toàn diện toàn diện, do đó khó thực hiện được mô hình trên.