Vĩ mô vẫn ổn, chứng khoán giảm ngắn hạn là cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn
Quý 1/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch công bố báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý 1 cũng tăng 33,7%...
Sau hơn 2 năm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh để tìm điểm cân bằng mới, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường, cơ quan quản lý đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để sớm ổn định lại thị trường; đồng thời, kiên trì các giải pháp trung, dài hạn để thị trường phát triển minh bạch, bền vững.
ĐỒNG PHA VỚI THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Ngày 6/1/2022 chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử tại mức 1.528,57 điểm. Sau đó, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào đầu tháng 4 lên mức tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 4/4/2022. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân đạt 31.174 tỷ đồng/phiên (tính từ đầu năm đến ngày 4/4/2022), tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm rất mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tính đến ngày 12/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.238,84 điểm, đã mất 285,86 điểm, tương đương giảm 18,7% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 4/4/2022. Cùng với chỉ số, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 15,6% so với bình quân quý 1/2022. Sang những phiên đầu tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 18.916 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với bình quân tháng trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh một số tác động từ thông tin trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới. Cùng với đó, việc thị trường trong nước tăng rất mạnh trong 2 năm qua cũng cần có những nhịp điều chỉnh để tích lũy, củng cố cho một chu kỳ tăng mới.
Trên thực tế, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cũng đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới. Thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua những nhịp điều chỉnh giảm trong thời gian qua: Mỹ giảm -10,04%; Đức giảm -11,25%; Pháp giảm -8,66%; Trung Quốc giảm -16,28%; Hồng Kông (Trung Quốc) giảm -9,87%; Hàn Quốc giảm -9,49%; Nhật giảm -6,75% so với cuối năm 2021.
Nếu chỉ tính riêng các phiên giao dịch đầu tháng 05/2022, hầu hết thị trường chứng khoán thế giới cũng đều giảm điểm: Mỹ giảm -3,85%; Đức giảm -4,3%; Pháp giảm -5,83%; Trung Quốc giảm -1,41%; Hồng Kông (Trung Quốc) giảm -5,16%; Hàn Quốc giảm -3,13%; Thái Lan giảm -3,38%; Singapore giảm -3,01% so với cuối tháng 4/2022. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất từ năm 2020 trong phiên giao dịch ngày 5/5/2022 khi nhà đầu tư bán tháo trên diện rộng, với hơn 90% mã cổ phiếu trong nhóm S&P 500 giảm điểm.
NỀN TẢNG VĨ MÔ VẪN ỔN
Trong nhiều phát biểu gần đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã khẳng định rằng, việc điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.
Đánh giá về thị trường từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 7% - đây là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong quý 1/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý 1/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021. Qua thông tin sơ bộ công bố tại mùa đại hội cổ đông 2022 đang diễn ra, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2022.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua (chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, đã có 231.275 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên hơn 5,2 triệu tài khoản) và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.
Trong một báo cáo vừa mới phát hành, Dragon Capital cho rằng, giá cổ phiếu giảm kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận đưa định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên rất hấp dẫn.
Chỉ tính tới cuối tháng 4, chỉ số P/E trượt giảm về 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Trong 5 năm vừa qua, chỉ số P/E của thị trường chỉ 2 lần tiếp cận ngưỡng này. Lần đầu tiên là đáy của đợt giảm năm 2018 và lần thứ 2 là trong giai đoạn khủng hoảng do Covid-19 năm 2020. So sánh với các thị trường trong khu vực, mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật.
“Tuy vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng” – Dragon Capital nhấn mạnh.
CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán mặc dù vẫn trong xu thế điều chỉnh ngắn hạn, nhưng tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn trong trung, dài hạn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sau quá trình điều chỉnh mạnh, thị trường sẽ xuất hiện nhiều cơ hội sinh lời hơn và cũng sẽ ít rủi ro hơn nếu chọn đúng những mã ngành có giá trị cơ bản tốt, hoạt động sản xuất tăng trưởng tích cực theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Trao đổi với báo giới, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Uỷ ban Chứng khoán, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.
“Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả” – đại diện lãnh đoạ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển về dài hạn.
Song song với đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư”, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông tin thêm.
Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
“Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra”, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư, để gia tăng nền tảng kiến thức tài chính, chứng khoán, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và chuyên nghiệp hơn.