Chứng khoán Việt quá khó, Pyn Elite Fund lỗ kỷ lục trong tháng 4/2022
Pyn Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vừa có báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 4/2022 với kết quả tệ chưa từng có trong lịch sử tháng 4 kể từ năm 2013...
Cụ thể, theo đánh giá của quỹ, những sự kiện liên quan đến bắt bớ lãnh đạo một số tập đoàn nhằm chống lại việc lạm dụng thị trường trái phiếu và thao túng chứng khoán đã khiến Vn-Index giảm 8,4% trong tháng.
Hiệu suất của quỹ đã giảm 10,2%, chủ yếu do VHM, CTG, TPB và MBB. Trong đó, CTG giảm 14,5% mạnh nhất, NLG giảm 16,3% và TPB giảm 16,3%. Nếu so với các tháng 4 kể từ khi hoạt động tại Việt Nam năm 2013, đây là tháng có hiệu suất thấp nhất, trong khi đó tháng 4/2020 hiệu suất của quỹ này tăng 17,91% cao kỷ lục, tháng 4/2021 là 0,65%.
Tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của Pyn Elite Fund giảm 11,73%. Các cổ phiếu lớn trong danh mục của quỹ vẫn gồm: VHM, CTG, VRE, VEA, MBB, TPB, ACV, HDB, SCS, KDH.
Tuy vậy, theo đánh giá của Pyn Elite Fund, trong ngắn hạn cổ phiếu nhóm này sẽ giảm giá nhưng về lâu dài, thị trường ổn định và lành mạnh hơn. Đồng thời, các phản ứng thái quá của thị trường tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe doạ. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang tăng nhanh, trong tháng 4, xuất khẩu tăng 25%, vượt nhập khẩu 15%. Thặng dư thương mại đã tăng lên 2,5 tỷ USD trong năm nay. Sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu bán lẻ tăng 12,1%, cao hơn rõ ràng so với Q1 (lần lượt là 6,4% và 4,4%). Lạm phát vẫn ở mức vừa phải ở mức 2,64%.
Đã có những giả định trên thị trường về việc thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực phát triển bất động sản, nhưng theo các công ty bất động sản hàng đầu trong danh mục đầu tư của chúng tôi, các ngân hàng vẫn sẵn sàng cấp vốn cho cả các dự án mới và người mua nhà. Các công ty đã tung ra một số dự án mới trong những tháng gần đây và bán tất cả hàng nghìn ngôi nhà sau vài ngày chào bán", quỹ này cho hay.
Đánh giá riêng về VRE, theo quỹ đến từ Phần Lan, chủ sở hữu trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam - VRE, đã khai trương thành công trung tâm thương mại Vincom Mega Mall mới rộng 68.000m2 vuông tại Hà Nội vào cuối tháng 4.
Vào tháng 6 tới đây, VRE sẽ khai trương hai trung tâm mua sắm tương tự ở miền Nam Việt Nam. Tỷ lệ lấp đầy của ba trung tâm thương mại là 95-98%, cho thấy mức tăng tốt của VRE sau khi các dự án bị đóng băng trong đại dịch. Đây là thời điểm hoàn hảo khi lượng tiêu thụ tăng với tốc độ chóng mặt. Tổng diện tích trung tâm mua sắm của VRE dự kiến sẽ tăng 80-130% vào năm 2026, do các lô đất thuộc sở hữu của VRE và số lượng trung tâm mua sắm ở Việt Nam vẫn còn ít. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của VRE là 83% vào năm 2022.