Việt Nam cần đầu tư vào phát triển kỹ năng cho người lao động
Người lao động xem việc phát triển kỹ năng là chìa khoá thành công cho công việc của họ. Minh chứng là 64% lao động Việt Nam được khảo sát, cho rằng kỹ năng mà công việc của họ yêu cầu sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới...
PwC vừa công bố kết quả khảo sát với 19.500 người lao động tại 14 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với 1000 người lao động Việt Nam về các vấn đề như: phát triển bền vững, phát triển kỹ năng, áp dụng công nghệ tiên tiến, sáng kiến chống biến đổi khí hậu và kiến tạo một môi trường làm việc linh hoạt.
Kết quả cho thấy, khối lượng công việc của người lao động tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam đã tăng lên đáng kể và tốc độ thay đổi đang ngày càng nhanh chóng. Điều này vừa mang lại động lực, vừa tạo ra nhiều thách thức mới.
Hơn nữa, sự thay đổi này đang tăng tốc: 88% người lao động Việt Nam cho rằng họ đã trải qua nhiều thay đổi tại nơi làm việc trong năm vừa qua so với 12 tháng trước đó, trong khi Châu Á Thái Bình Dương là 68%.
Người lao động Việt Nam cảm thấy vừa hào hứng, vừa lo lắng về sự thay đổi này. Nhưng có tới 92% người lao động Việt Nam cảm thấy đã sẵn sàng thích nghi với cách làm việc mới và phát triển trong vai trò của mình.
71% người lao động cho rằng họ có thể thể hiện và phát triển kỹ năng của mình so với các đồng nghiệp trong khu vực (Châu Á Thái Bình Dương: 57%). 75% tin rằng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ họ phát triển các kỹ năng mới trong tương lai thông qua các cơ hội học tập (Châu Á Thái Bình Dương: 52%).
Đặc biệt, người lao động xem việc phát triển kỹ năng là chìa khoá thành công cho công việc của họ. Minh chứng, 64% lao động Việt Nam được khảo sát đồng ý rằng kỹ năng mà công việc của họ yêu cầu sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới.
Ngoài ra, người lao động Việt Nam xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa hữu hình đối với công việc của họ. 65% cảm thấy lo lắng về những rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn do biến đổi khí hậu gây ra, nên họ kỳ vọng doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. 88% đồng ý rằng doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.
Khảo sát cũng cho thấy quan điểm về sự bảo đảm công việc đang có nhiều ý kiến trái chiều. 52% số người tham gia khảo sát cảm thấy cực kỳ hoặc rất tự tin về công việc của họ trong 12 tháng tới. 65% cho biết những thay đổi gần đây tại nơi làm việc khiến họ cảm thấy lo ngại.
Đáng chú ý, khảo sát cũng chỉ ra, việc ứng dụng GenAI (ứng dụng trí tuệ tạo sinh) tại nơi làm việc vẫn còn đang hạn chế. 55% người được khảo sát có sử dụng GenAI trong năm qua (trong khi Châu Á Thái Bình Dương đã là 70%). Tuy nhiên, chỉ có 25% cho biết họ sử dụng GenAI trong công việc hàng ngày.
89% người dùng tin rằng GenAI sẽ giúp họ nâng cao kỹ năng; 91% người dùng tin rằng GenAI sẽ giúp cải thiện chất lượng công việc; 88% tin GenAI sẽ giúp thúc đẩy khả năng sáng tạo.
Để để xây dựng lực lượng lao động tương lai, báo cáo của PwC đưa ra 6 hành động cụ thể, gồm: Lãnh đạo theo hướng đổi mới để củng cố khả năng thích ứng của những nhân viên đang chịu áp lực; khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi; khuyến khích nhân viên dẫn dắt sự đổi mới; củng cố niềm tin vào GenAI; hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng cho người lao động; quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên để nâng cao hiệu suất.
Theo ông Johnathan Ooi, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Hoạt động PwC Việt Nam, sự thay đổi đang ngày càng tăng tốc, mang lại những cảm giác vừa lạc quan vừa bất định cho người lao động tại Việt Nam và trên khắp Châu Á Thái Bình Dương.
Cuộc khảo sát về lực lượng lao động mới nhất của PwC cho thấy mặc dù phần lớn người lao động mong muốn sẽ thích nghi nhưng họ cũng cảm thấy choáng ngợp trước tốc độ thay đổi.
Về mặt tích cực, người lao động cảm thấy công việc của mình được đảm bảo hơn và mong muốn học các kỹ năng mới, đặc biệt là với sự phát triển của GenAI.
Bên cạnh đó, một xu hướng nổi bật khác mà chúng ta không thể bỏ qua: biến đổi khí hậu. Người lao động Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến công việc của họ và mong muốn doanh nghiệp bắt đầu hành động. Mối lo ngại này tăng lên 65% so với mức 55% vào năm ngoái. Điều này cho thấy kỳ vọng ngày càng tăng đối với những thay đổi ý nghĩa.
“Mặc dù nhân viên đã sẵn sàng phát triển và thích ứng nhưng họ vẫn cần được hỗ trợ để vượt qua những thay đổi này. Do đó, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và thực hiện các biện pháp ứng phó với các vấn đề khí hậu sẽ không chỉ nâng cao sự hài lòng trong công việc mà còn đảm bảo đáp ứng sự kỳ vọng của nhân viên” ông Johnathan Ooi khuyến nghị.