Đào tạo lao động trẻ gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường
Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; dự báo nhu cầu thị trường; cho vay từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hay đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm là các giải pháp chính để tạo việc làm cho nhóm lao động trẻ, góp phần không lãng phí nguồn nhân lực lớn…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết mới đây nhận được kiến nghị của cử tri TP. HCM do Ban Dân nguyện chuyển đến, kiến nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu có chủ trương, chính sách căn cơ, hiệu quả hơn về tạo việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động.
Đồng thời, có chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường, không để lãng phí nguồn lao động trẻ, nhất là lao động đã được đào tạo.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin thời gian qua, nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên, ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, các cơ quan, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm...
Về phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp.
Theo đó, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung, trong đó có thanh niên. Nhất là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số miền núi...thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, và các nguồn tín dụng ưu đãi khác, để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về người lao động (trong đó có thanh niên) đồng bộ, hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động ngắn hạn, trung và dài hạn; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phục vụ phân tích, đánh giá thị trường lao động.
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là kết nối trực tuyến, từng bước hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối liên vùng, toàn quốc.
Chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu công - tư trong dịch vụ việc làm; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động; hình thành mạng thông tin quốc gia về việc làm.
Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề, và hỗ trợ họ khởi nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp cho thanh niên, nhất là thông qua các ứng dụng, các trang thông tin điện tử trên môi trường trực tuyến. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách lao động, việc làm.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Hiện Bộ đang tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Trong đó nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho đối tượng người lao động nói chung, thanh niên nói riêng, và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề, để duy trì việc làm và tìm kiếm công việc phù hợp.
Nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, và giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Trong đó, chú trọng tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.