07:00 24/07/2024

Lao động ngành nào có mức tăng thu nhập cao nhất?

Nhật Dương

Nửa đầu năm 2024, lao động trong một số ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá về thu nhập. Trong đó, mức tăng cao thuộc về ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bất động sản…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh, và phát triển bền vững đến năm 2025. Báo cáo cho thấy thị trường lao động tiếp tục phục hồi, thu nhập của người lao động được cải thiện.

NHIỀU NGÀNH CÓ TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP KHÁ

Năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,5 triệu đồng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, lao động làm việc trong một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,2 triệu đồng, tăng 13,9%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải là 9 triệu đồng, tăng 12,3%, tương ứng tăng 981 nghìn đồng.

Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,7 triệu đồng, tăng 11,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 11,7 triệu đồng, tăng 11,1%, tương ứng tăng 1,2 triệu đồng. Ngành khai khoáng là 11 triệu đồng, tăng 8,5%, tương ứng tăng 866 nghìn đồng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, Bộ đã triển khai thực hiện các chương trình, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đảm bảo sự lưu thông của thị trường lao động.

Theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm 2022. Đến 6 tháng đầu năm nay, tiếp tục tăng lên lên đạt gần 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023.

Chất lượng lao động cũng có xu hướng tăng. Tính chung năm 2023, tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ là 27%, thì đến quý II/2024 tăng lên 28,1%, cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

Bên cạnh đó, số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế. Cụ thể, lao động có việc làm năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022.

Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19 triệu người, lao động ở khu vực nông thôn là 32,3 triệu người.

Giai đoạn nửa đầu năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người (tương ứng tăng 0,38%) so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492,2 nghìn người.

SỐ LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC VẪN Ở MỨC CAO

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, số lao động có việc làm từ đầu năm 2024 đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kì trước dịch Covid-19.

Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.
Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm. Ảnh: N.Dương.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành cũng trở lại chiều hướng tích cực. Trong tổng số 51,4 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,2%, tương đương 20,7 triệu người; tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,1%, tương đương 17 triệu người.

Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, chiếm 26,7%, tương đương 13,7 triệu người.

So với cùng kỳ 6 tháng năm 2023, quy mô lao động của nửa đầu năm nay trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm 112,8 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 201,2 nghìn người; lao động trong ngành dịch vụ tăng 509,7 nghìn người.

Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững, khi số lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Tính chung năm 2023, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%. Song đến nửa đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng lên 65%.

Điểm sáng là số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước. Riêng nửa đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

“Đây là mức thường quan sát được ở ở thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.