Sự bùng nổ của GenAI: Cơ hội và thách thức
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử loài người, với tầm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống thậm chí “có thể sâu rộng hơn cả sự xuất hiện của lửa và điện”, như CEO của Google Sundar Pichai nhận định năm 2018.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) trong tháng 1 năm nay, AI đã lần đầu tiên trong lịch sử chiếm sóng, trở thành chủ đề nóng hàng đầu, bên cạnh những vấn đề khác như an ninh, việc làm và khí hậu.
Trong phạm vi rất rộng của AI thì GenAI (tạm dịch: trí tuệ nhân tạo tạo sinh) là chủ đề nóng nhất trong thời gian vừa qua. Đây là bước tiến của việc công nghệ có thể mô phỏng trí tuệ con người, tạo ra nội dung mới (điển hình như văn bản, hình ảnh, âm nhạc, video) từ các dữ liệu mà nó được huấn luyện. GenAI thay đổi hoàn toàn hành vi và cách thức con người làm việc, học tập, giải trí, sáng tạo nghệ thuật, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ tập trung vào tiềm năng và tác động của GenAI đến kinh doanh.
THỜI CỦA GENAAI ĐÃ ĐẾN
Sau khi một chatbot GenAI ra mắt tháng 12/2022 và đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ trong vòng hai tháng, nhanh hơn bất kỳ ứng dụng nào trong lịch sử, hàng loạt các ứng dụng GenAI khác đã ra đời. Việc phát triển công nghệ này trở thành cuộc đua của những “người khổng lồ” công nghệ trên toàn cầu. GenAI là từ khóa chiếm lĩnh chủ đề trao đổi của giới đầu tư, cũng như trong hội đồng quản trị của các doanh nghiệp trên thế giới, và được trông đợi sẽ định hình lại thị trường công nghệ trong vòng một thập kỷ tới.
Theo báo cáo Tăng trưởng Trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2023 của Bloomberg Intelligence, trong 10 năm tới thị trường GenAI sẽ phát triển mạnh mẽ từ quy mô 40 tỷ USD năm 2022 lên mốc 1.300 tỷ USD vào 2032, tăng 32,5 lần. Tỷ suất tăng trưởng kép hàng năm (Compound Annual Growth Rate - CAGR) được dự báo có thể đạt 42%, theo Bloomberg. Trong nhận định đưa ra cuối năm 2023, IDC ước tính trong 10 năm tới GenAI sẽ đóng góp gần 10.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu.
Nghiên cứu EY Reimagining Industry Futures 2024 (tạm dịch: Tái hình dung tương lai các ngành) do EY thực hiện, tái khẳng định vị thế công nghệ đột phá của GenAI, khi nó đứng thứ 3 trong số 9 công nghệ mới nổi được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhất. 43% trong số 1.405 doanh nghiệp được khảo sát đang đầu tư vào GenAI. Tom Loozen, lãnh đạo Dịch vụ Viễn thông toàn cầu của EY, nhận định: một trong những xu hướng lớn nhất nổi lên từ nghiên cứu của năm nay là đà đầu tư vào GenAI. Công nghệ tiên tiến này đang tái định nghĩa khả năng chuyển đổi doanh nghiệp.
GenAI có tiềm năng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng bằng nhiều cách: cải thiện trải nghiệm và sự trung thành của khách hàng, cải thiện sản phẩm, tăng năng suất lao động.
Với marketing và bán hàng, sức mạnh thực sự của GenAI là khả năng tổng hợp thông tin và đưa ra những gợi ý về cảm nhận của người tiêu dùng, sở thích và đặc điểm nhân khẩu học để tạo ra những thông điệp tiếp thị mới, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, giúp các nhà tiếp thị tạo ra các chiến dịch chất lượng cao, tinh vi và hiệu quả hơn, từ đó tăng doanh thu.
Các thông tin này cũng có thể được sử dụng trong khâu sản xuất để tạo ra các sản phẩm với tính năng mới phù hợp với khách hàng, giúp đưa sản phẩm ra thị trường với khả năng thành công cao hơn. Trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chatbot và công cụ tự phục vụ được cung cấp bởi GenAI có thể giải quyết hiệu quả các yêu cầu của khách hàng với chi phí thấp hơn.
ĐỂ TẬN DỤNG ĐƯỢC NHỮNG LỢI ÍCH TỪ GENAI
Hiện nay tại thị trường Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tiên phong trong việc tích hợp GenAI để cải thiện cách tương tác khách hàng, phát triển sản phẩm nhanh hơn và vận hành thông minh hơn.
Trong khi đầu tư vào GenAI vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, các lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội ứng dụng AI không chỉ để thúc đẩy hiệu quả và giảm chi phí mà còn để tái tạo bản chất công việc – dùng AI bổ sung cho trí tuệ con người thay vì thay thế nó. Các yếu tố được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của GenAI bao gồm khả năng siêu phân giải (super-resolution), chuyển đổi văn bản thành hình ảnh (text-to-image conversion), chuyển đổi văn bản thành video (text-to-video conversion) và việc gia tăng nhu cầu hiện đại hóa quy trình làm việc của các ngành công nghiệp...
(*)Phó Tổng giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam