Việt Nam lập nhóm phát triển thiết bị 6G
Nhóm sẽ tập trung triển khai nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm để thúc đẩy triển khai 6G...
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm với 14 thành viên do ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông làm trưởng nhóm.
Nhóm còn có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng 3 doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone.
Bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị; đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm để thúc đẩy triển khai 6G; nhóm cũng sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế điển hình về định hướng chiến lược phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm, đề xuất cho Việt Nam.
Nhóm cũng sẽ theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm trên thế giới như loại thiết bị, băng tần hỗ trợ, giá, tình hình chuẩn hóa… để xây dựng báo cáo chuyên đề. Tham dự các hội nghị, các hội thảo quốc tế và trong nước liên quan đến phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển công nghệ thiết bị 6G...
MỤC TIÊU ĐI CÙNG THẾ GIỚI NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT, TRIỂN KHAI 6G
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Ban này tập trung nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.
Đồng thời nghiên cứu đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G của doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo cũng theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.
Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phát triển công nghệ 6G và kế hoạch hoạt động đến hết năm nay.
Tại cuộc họp với các đơn vị và các nhà mạng để bàn việc nghiên cứu 6G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều cường quốc trên thế giới đang bắt tay nghiên cứu 6G. Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai.
Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho 6G như việc tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn cho 6G. Hiện đã có các trường đại học và viện nghiên cứu bắt tay nghiên cứu về 6G. Đại diện Viettel cho hay, doanh nghiệp này đã bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 6G và tham gia các bằng sáng chế về 6G. Phía VNPT sẽ tập trung vào nghiên cứu hệ sinh thái 6G.
Theo các chuyên gia, 6G là một chuẩn kết nối tiếp bước thế hệ mạng 5G. Giới chuyên môn dự đoán, mạng 6G khi ra mắt sẽ tạo sự bùng nổ và mang lại một loại hình Internet hoàn toàn mới giúp con người chạm tay gần hơn vào thế giới ảo. Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps, thì mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G.
Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng mới thường được triển khai sau 10 năm và 6G được dự đoán sẽ khai thác thương mại vào năm 2030. Một số dự đoán tầm nhìn mạng 6G hy vọng việc hoàn thành tiêu chuẩn 6G và đưa vào thương mại hóa sớm nhất vào năm 2028, trong khi thương mại hóa hàng loạt có thể diễn ra vào năm 2030. Con người và máy móc sẽ là đối tượng dùng chính của mạng 6G và được đặc trưng bởi việc cung cấp các dịch vụ tiên tiến như thực tế mở rộng, hình ba chiều di động có độ chính xác cao và bản sao kỹ thuật số…
Dự báo việc hoàn thành tiêu chuẩn 6G và đưa vào thương mại hóa sớm nhất vào đầu năm 2028, trong khi thương mại hóa hàng loạt có thể xảy ra vào khoảng năm 2030. Con người và máy móc sẽ là người dùng chính của mạng 6G và 6G sẽ được đặc trưng bởi việc cung cấp các dịch vụ tiên tiến như thực tế mở rộng, hình ba chiều di động có độ chính xác cao và bản sao kỹ thuật số.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhà thông minh sẽ được triển khai rộng rãi khi các thiết bị thông minh đều có khả năng kết nối và điều khiển từ xa. Giao thông thông minh với hệ thống điều khiển, xe tự hành, taxi bay có thể được triển khai dựa trên công nghệ mạng 6G…
Mạng 6G ngoài việc đảm bảo kết nối với số lượng lớn các thiết bị như máy tính, sensor, và mọi loại thiết bị vật lý, còn đảm bảo tích hợp 4 thành phần quan trọng là dữ liệu, con người, quy trình và thiết bị vật lý thành một thể thống nhất.
Ngoài việc các đối tượng được mô phỏng 3D và điều khiển AI, trải nghiệm người dùng sẽ được hỗ trợ bởi cả 5 giác quan nghe, nhìn, khứu giác, vị giác, xúc giác thông qua các sensor.
Mạng 6G hứa hẹn sẽ số hoá và kết nối toàn thế giới. Nhiều nước đã sẵn sàng nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, châu Âu... Nhiều hãng đang tăng tốc phát triển công nghệ nhằm chiếm thế tiên phong trong việc xác định các tiêu chuẩn của mạng 6G. Cuộc đua phát triển 6G cũng đã được khởi động bởi những cái tên Samsung, Huawei... Một số nước đã đạt được những bước tiến mới trong nghiên cứu về 6G.