08:10 09/05/2021

Ông lớn công nghệ chạy đua mạng 6G: Ai đang dẫn đầu?

Phạm Vinh

Dự báo, mạng 6G sẽ đưa vào thương mại năm 2027 nhưng nhiều ông lớn như Samsung, Huawei cũng như nhiều cường quốc không muốn bị bỏ lại, tích cực chạy đua mạng 6G...

Mô hình thành phố siêu thông minh trên nền tảng hạ tầng 6G.
Mô hình thành phố siêu thông minh trên nền tảng hạ tầng 6G.

Mặc dù công nghệ 5G thậm chí còn chưa được phổ cập rộng rãi đến người dùng, song một cuộc chạy đua ráo riết cho mạng di động thế hệ thứ 6 (còn gọi là 6G) giữa các quốc gia đứng đầu về công nghệ đã bắt đầu.

"BỎ LỠ 5G", MỸ MUỐN THỐNG TRỊ 6G

Về lý thuyết, mạng 6G có thể nhanh hơn 100 lần so với tốc độ tối đa của 5G và được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều ứng dụng công nghệ mà lâu nay chỉ được xem như khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn như ảnh ba chiều thời gian thực, taxi bay cho đến khả năng cơ thể và bộ não con người được kết nối Internet. 

Cho đến hiện nay, cuộc chạy đua về 6G ngày càng gia tăng, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí, nhiều mối lo ngại: 6G quan trọng đến mức đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang theo một mức độ nào đó.

 

Trong cuộc chạy đua công nghệ lần này, Mỹ có thể sẽ cản trở tham vọng 6G của Huawei như cách nước này đã chứng minh họ có khả năng gây bất lợi cho các hãng công nghệ Trung Quốc trong thời gian qua.

6G rõ ràng đã nằm trong tâm trí của các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Bắc Kinh. Cựu Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ trên trang Twitter vào đầu năm 2019 rằng ông muốn 6G "càng sớm càng tốt". Sự phát triển của 6G có thể mang lại cho nước Mỹ cơ hội lấy lại vị thế đã mất trong công nghệ không dây.

Ông Vikrant Gandhi, Giám đốc cấp cao về công nghệ thông tin và truyền thông Frost & Sullivan chia sẻ: Mỹ từng bỏ lỡ cơ hội để dẫn đầu công nghệ không dây 5G, và lần này họ quyết tâm tập trung phát triển 6G. Cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu 6G sẽ khốc liệt hơn nhiều so với 5G.

Minh chứng dễ dàng thấy được là Washington đã bắt đầu với “Liên minh Giải pháp Công nghiệp Viễn thông” gọi là ATIS và ra mắt Liên minh Next G vào tháng 10/2020 nhằm "nâng cao vị thế lãnh đạo Bắc Mỹ trong công nghệ 6G". Các thành viên của liên minh bao gồm những gã khổng lồ công nghệ như Apple Inc., AT&T Inc., Qualcomm Inc., Google và Samsung Electronics Co., dĩ nhiên không bao giờ có Huawei.

Theo Bloomberg, Trung Quốc cũng đón đầu bằng việc phóng một vệ tinh vào tháng 11 năm ngoái để kiểm tra về khả năng truyền 6G. Bên cạnh đó, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE Corp đã hợp tác với China Unicom Hong Kong để phát triển thế hệ công nghệ mới; Huawei cũng có một trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada.

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua công nghệ lần này, Mỹ có thể sẽ cản trở tham vọng 6G của Huawei như cách nước này đã chứng minh họ có khả năng gây bất lợi cho các hãng công nghệ Trung Quốc trong thời gian qua.

HÀN QUỐC, TRUNG QUỐC CÓ LỢI THẾ TRONG CUỘC ĐUA 6G

Samsung Electronics và Huawei Technologies là hai cái tên đi đầu trong việc triển khai các trạm BTS, vốn là hạ tầng quan trọng của mạng viễn thông. Theo tờ Nikkei, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có lợi thế trong cuộc chạy đua công nghệ 6G. Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp khó nếu muốn đuổi kịp hai quốc gia nói trên về 6G. 

 

Hiện nay, Samsung đang đi đầu về bản quyền 5G, nắm giữ 8,9% số lượng bản quyền. Huawei đứng thứ hai với 8,3%, Qualcomm là 7,4%, trong khi NTT Docomo của Nhật đứng thứ 6 với 5,5%.

Hàn Quốc đang hy vọng trở thành nước đầu tiên cung cấp dịch vụ 6G thương mại, với các tập đoàn Samsung và LG thành lập các trung tâm nghiên cứu và chính phủ đang cân nhắc đầu tư đến 976 tỉ won (18.687 tỉ đồng) cho dự án phát triển. Bắc Kinh cũng công bố chương trình nghiên cứu và phát triển mạng 6G vào tháng 11 năm ngoái và Huawei đã ra mắt nhóm nghiên cứu chuyên trách.

Theo Tetsuya Kawanishi, Chuyên gia viễn thông Đại học Waseda (Nhật), các trạm BTS dự kiến sẽ phải thay đổi cả về chất lượng lẫn số lượng để tương thích với mạng 6G. Nhật Bản hiện có khoảng 600.000 BTS nhưng để đáp ứng tốt hạ tầng 6G thì cần 1 tỉ trạm trong khi thế giới sẽ cần đến 100 tỉ trạm.

Trên lý thuyết, mạng 6G tốc độ mạng có thể đạt tới hơn terabit/giây, nhanh hơn 10 lần so với 5G. Nhưng về phạm vi phủ sóng, khoảng cách truyền của các trạm gốc 6G sẽ chỉ từ 200 m trở xuống, và sử dụng bước sóng ngắn hơn, ăng-ten nhỏ hơn. Do đó, các thiết bị chiếu sáng, bảng hiệu hay các xe khách cũng có thể lắp thêm BTS để tăng cường độ phủ.

Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường HIS Market, hiện 3 công ty gồm Huawei, Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) chiếm 80% thị phần BTS và nhiều công ty đang chạy đua phát triển các trạm thông minh để dẫn đầu cuộc đua ở mảng này.

SIÊU KẾT NỐI MẠNG 6G BÙNG NỔ

Bốn định hướng chính về kết nối đang được các nước trên thế giới nghiên cứu gồm: kết nối thông minh, kết nối sâu, kết nối không đồng nhất và kết nối mọi nơi. Nhiều khả năng, các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như: truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp…

Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn cũng được đưa vào hỗ trợ mạng 6G nhằm đảm bảo các mục tiêu về chất lượng mạng.

 

Nhiều khả năng, các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như: truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp…

Từ đó, nhiều ứng dụng siêu thông minh dựa trên nền tảng 6G như: nhà thông minh sẽ được triển khai rộng rãi khi các thiết bị thông minh đều có khả năng kết nối và điều khiển từ xa; giao thông thông minh với hệ thống điều khiển, xe tự hành, taxi bay; thành phố thông minh được xây dựng dựa trên các hệ thống giám sát môi trường, hệ thống điều khiển tối ưu năng lượng nhằm nâng cao mức sống của người dân.

Công nghệ thực tế ảo mở rộng cũng cần đến mạng 6G. Ngoài việc các đối tượng được mô phỏng 3D và điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm người dùng sẽ được hỗ trợ bởi cả 5 giác quan nghe, nhìn, khứu giác, vị giác, xúc giác thông qua các cảm biến. Với băng thông tốc độ cao, độ trễ thấp, mạng 6G sẽ đảm bảo chất lượng của trải nghiệm người dùng.

Các đặc tính của truyền thông không dây của mạng 6G cho phép thiết lập công nghệ của tương lai là hệ thống giao diện bộ não và máy tính (BCI) trong cuộc sống hàng ngày. BCI sẽ thu nhận các tín hiệu từ bộ não và chuyển đến các thiết bị số, phân tích và diễn dịch tín hiệu thành các lệnh điều khiển thiết bị.

Hơn nữa, tích hợp mạng vệ tinh sẽ cho phép mạng 6G có thể phủ sóng di động toàn cầu; chuyển đổi và nâng cấp kết nối thông thường thành kết nối thông minh; tích hợp truyền thông tin và năng lượng, không chỉ cho phép truyền thông tin mà còn truyền năng lượng không dây nhằm sạc các thiết bị.