09:22 01/02/2007

VN-Index lập kỷ lục mới, blue-chips thống lĩnh thị trường

Hồng Kỳ

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2007, thị trường chứng khoán lại chứng kiến bước nhảy vọt về giá cổ phiếu

Thị trường sau một vài phiên hạ nhiệt lại tiếp tục “sốt” - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường sau một vài phiên hạ nhiệt lại tiếp tục “sốt” - Ảnh: Việt Tuấn.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2007, thị trường chứng khoán lại chứng kiến bước nhảy vọt về giá cổ phiếu.

Chỉ số VN-Index trên sàn Tp.HCM tiếp tục tăng thêm 18,93 điểm (1,85%), vượt qua kỷ lục 1.040,7 điểm được ghi vào ngày 23/1, đạt kỷ lục mới 1.041,33 điểm. Tương tự, ở sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng tăng mạnh 11,23 điểm lên 348,52 điểm.

Mặc dù theo nhận định của các chuyên gia giá của nhiều loại cổ phiếu trên sàn đang ở mức khá cao, vượt giá trị thực và hàm chứa nhiều rủi ro; thế nhưng, thị trường sau một vài phiên hạ nhiệt lại tiếp tục “sốt”.

Lợi nhuận thu vào quá cao qua việc mua bán cổ phiếu đã khiến nhiều nhà đầu tư bỏ ngoài tai mọi cảnh báo của các chuyên gia, và bất chấp thông tin về việc Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các nhà điều hành thị trường sẽ tìm nhiều cách để “hạ nhiệt” thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV và luỹ kế cả năm 2006 khá khả quan vừa được các công ty niêm yết công bố chính là động lực lôi kéo các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán.

Không những thế, hàng loạt các công ty niêm yết lên kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phần, thưởng cổ phiếu như Sacombank, Ree, FPT, Kinh Đô... đã dấy lên hy vọng “làm giàu” của nhiều nhà đầu tư.

Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, sàn giao dịch này ghi 72 mã chứng khoán tăng giá, 23 mã giảm giá và 14 mã khác tăng giá trong phiên cuối cùng của tháng 1/2007 này. Sức cầu tăng mạnh mẽ, đặc biệt là ở các cổ phiếu chủ chốt, đã nâng tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường phiên này lên hơn 7,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị đạt hơn 1.032 tỷ đồng.

Chỉ riêng giá trị giao dịch của 5 cổ phiếu FPT, PVD, REE, STB, VSH đã chiếm hơn 51% giá trị giao dịch cổ phiếu của toàn thị trường phiên này.

Trong số 72 mã tăng giá, có mặt gần như đầy đủ các tên tuổi lớn như CII, GMD, FPT, KDC, REE, SAM, NKD, PVD, SJS, VSH... Và mặc dù cũng có những mã như ITA, STB, VNM giảm giá, nhưng cũng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index do tỷ lệ cổ phiếu tăng giá, trong đó có phần lớn các cổ phiếu blue-chips, vượt trội so với tỷ lệ cổ phiếu giảm giá và đa số các mã chủ chốt đều tăng trần.

Mặt khác, sự giảm giá của VNM là do phiên này là phiên VNM giao dịch không hưởng quyền chi trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu của cổ phiếu.

Giao dịch đáng chú ý trong phiên tiếp tục đổ dồn về cổ phiếu PPC của nhiệt điện Phả Lại. Cổ phiếu này tiếp tục nằm trong danh sách các cổ phiếu giảm kịch sàn trong phiên này. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp kể từ khi chuyển từ sàn Hà Nội lên sàn Tp.HCM, PPC giảm sàn, bởi ngay trong phiên đầu tiên niêm yết tại sàn Tp.HCM, PPC đã bị “làm giá” ở mức quá cao, 105.000 đồng/cổ phiếu.

Sau 3 phiên giảm sàn, giá PPC hiện đang dừng ở mức 90.500 đồng/cổ phiếu. Ngoài số lượng 71.380 cổ phiếu khớp lệnh, PPC còn dư lượng bán kỷ lục với hơn 2,2, triệu cổ phiếu ở giá sàn.

Phiên này, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mua và giảm bán cổ phiếu. Tổng cộng hơn 2,6 triệu cổ phiếu được khối này mua vào và tập trung vào những cổ phiếu như: VNM, VSH, PVD; trong khi đó lượng bán ra chỉ có 779.820 cổ phiếu.

Cùng với sự tăng giá của cổ phiếu, giá của 2 chứng chỉ quỹ VF1 và BF1 cũng tăng theo, nhưng chỉ tăng nhẹ 100 đồng. 2 chứng chỉ quỹ cũng đã góp thêm cho thị trường 32,7 tỷ đồng. Cùng với 107,53 tỷ đồng giá trị thỏa thuận cổ phiếu và hơn 90,5 tỷ đồng giá trị trái phiếu, nâng tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 1.263 tỷ đồng.