22:39 15/07/2022

Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu và cái kết của nhóm “bảo kê”

Đỗ Mến

Sau nhiều ngày xét xử, chiều muộn 15/7, Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã ra phán quyết với 14 bị cáo trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng RON 95-III.

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Tòa án nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng chống buôn lậu của cơ quan Nhà nước, gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội và lực lượng thi hành công vụ.

Mặc dù được giao nhiều trọng trách trong lực lượng quân đội và công an, nhưng vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, các bị cáo này đã nhận tiền hối lộ để giúp đỡ, bao che và “bảo kê” cho hoạt động vi phạm pháp luật, giúp nhiều tàu của Phan Thanh Hữu buôn lậu xăng trót lọt, không bị phát hiện, bắt giữ và xử lý. Do vậy, hành vi của các bị cáo cần phải được xử phạt nghiêm minh nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

MỨC ÁN CỤ THỂ

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 7 năm tù về tội “Buôn lậu”

Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) lĩnh án chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Anh phải nhận là tù chung thân.

12 bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 6 tháng 21 ngày tù đến 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, “Không tố giác tội phạm”. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn An (ở Tân Phú, TP.HCM) bị tuyên 15 năm tù, Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4) 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù , Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Thanh) 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo…

Về dân sự, tòa tuyên tịch thu sung công số tiền bị cáo Phùng Danh Thoại thu được trong quá trình “góp vốn buôn lậu” và khoản tiền các bị cáo nhận hối lộ. Bị cáo Thoại còn bị phạt thêm 100 triệu đồng.

Trong những ngày xét hỏi và tranh luận trước đó, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi như bị truy tố, xin giảm nhẹ mức án do đã ăn năn hối hận, có ý thức tích cực nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính.

Bản án sơ thẩm nêu rõ, vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, Phùng Danh Thoại đã đồng ý góp vốn 5 tỷ đồng cùng với Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) để buôn lậu xăng, xuất bán sang Campuchia. Quá trình góp vốn, bị cáo Thoại đã tham gia buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỷ đồng. Thông qua hoạt động buôn lậu từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, Phùng Danh Thoại đã thu lợi tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Để việc buôn lậu xăng trên biển được thuận lợi, không bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, Phan Thanh Hữu cùng các đối tượng khác đã chi một khoản tiền lớn để mua chuộc, hối lộ các cán bộ cấp cao trong lực lượng Quân đội và Công an để những người này giúp đỡ, bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu. Trong đó, Nguyễn Thế Anh đã nhận hối lộ số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD, Lê Văn Minh nhận 6,9 tỷ đồng, Nguyễn Văn Hùng nhận hơn 6,3 tỷ đồng, Lê Xuân Thanh nhận 1,8 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Lâm nhận hơn 1,3 tỷ đồng, Phạm Văn Trên nhận 1 tỷ đồng, Lưu Thế Đức nhận 400 triệu đồng, Sơn Hoàng Ngự nhận 450 triệu đồng, Lê Văn Phương nhận 360 triệu đồng…

CUỘC TRỐN CHẠY BẤT THÀNH

Bản án sơ thẩm nêu rõ, bị cáo Nguyễn Thế Anh phụ trách nhiều cương vị trọng yếu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng, nhưng vì tư lợi, bị cáo đã đồng ý giúp đỡ, bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng và nhận hối lộ trên 19 tỷ đồng. Khi nhóm buôn lậu bị bắt, bị cáo Thế Anh còn hướng dẫn, đưa tiền cho đồng phạm đi trốn nhằm che giấu hành vi nhận hối lộ của mình.

Theo đó, trong các lần nhận tiền, Thế Anh đều giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, là em con chú ruột) đi nhận. Thế Anh dặn An “đến khoảng giữa tháng gọi điện cho Hữu để lấy đồ”. Các lần đó, An điều khiển xe máy đến trước cửa nhà Hữu ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hữu thường xếp thành các cọc tiền, loại tiền USD mệnh giá 100 USD, tiền VND mệnh giá 500.000 đồng, để trong túi nilon màu đen, buộc gọn, để vừa cốp xe máy của An.

Sau khi Phan Thanh Hữu bị bắt tạm giam, ngày 17-18/3/2021, Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An bảo An điều khiển xe ô tô từ TPHCM xuống Rạch giá, Kiên Giang thuê khách sạn ngủ.

Sáng hôm sau, Thế Anh gọi điện yêu cầu An ra đảo Phú Quốc. Thế Anh bảo An tìm cách trốn đi lánh nạn một thời gian, do có liên quan đến việc nhận tiền hối lộ của Hữu.Thế Anh đưa cho An 50 triệu đồng để lo chi phí bỏ trốn và nói tìm cách trốn ra nước ngoài nhưng không sang Campuchia. Các bị cáo “bắt mối” để tìm cách cho An chạy sang Lào.

Tuy nhiên, do không có hộ chiếu và sợ bị phát hiện nên An không làm thủ tục đi qua cửa khẩu theo đường chính ngạch mà bắt xe ôm ra khu đường rừng và thuê người dẫn đường để vượt biên trái phép. Sang Lào, An gọi điện cho người đón, đưa về khu làm việc ở lán trại trong rừng. Đến ngày 19/5/2021, An bị Công an Lào bắt, bàn giao cho Công an Việt Nam.