09:10 12/07/2022

Buôn lậu xăng dầu “siêu lợi nhuận” và chuyện “móc ngoặc dưới gầm bàn”

Đỗ Mến

Bắt đầu từ ngày 12/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã đưa vụ án "Buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "không tố giác tội phạm" liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển ra xét xử...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các bị cáo hầu tòa gồm Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển) bị truy tố về tội "Buôn lậu"; 

Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Các bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3); Lưu Thế Đức (cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển); Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) và nhóm thuộc các đơn vị dân sự là Sơn Hoàng Ngự, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, quê Bình Định, là lao động tự do) bị truy tố hành vi "Không tố giác tội phạm".

BUÔN LẬU XĂNG “SIÊU LỢI NHUẬN”

Theo cáo trạng, đầu năm 2019, tàu Glory của Phan Thanh Hữu (SN 1957, ở TP.HCM) bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ vì vận chuyển lậu 1,7 triệu lít dầu DO.

Lúc này, Hữu nhờ Đào Ngọc Viễn (SN 1968, ở TP.HCM) tìm các mối quan hệ để giúp Hữu không bị xử lý hình sự.

Do có quan hệ từ trước với Đại tá Phùng Danh Thoại (Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) nên Viễn đã trực tiếp dẫn Hữu đến gặp Thoại để nhờ xử lý.

Ông Thoại từ chối vì không có khả năng giúp, nhưng kể từ đó hai bên quen biết nhau. Với ý định lợi dụng ảnh hưởng của ông Thoại đối với lực lượng Cảnh sát biển, để thuận lợi trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu, Viễn đã nhiều lần rủ ông Thoại tham gia góp vốn để kinh doanh xăng dầu cùng mình và Hữu.

Viễn đề nghị ông Thoại góp 5 tỷ đồng để làm vốn mua hàng, lợi nhuận được chia vài tỷ đồng/năm.

Sau lời hập dẫn, ông Thoại đồng ý góp vốn với Viễn và Hữu để tổ chức buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Từ tháng 5-7/2019, ông Thoại đã chuyển cho Viễn 5 tỷ đồng để góp vốn cùng với Phạm Hùng Cường (SN 1966, ở Hải Phòng) và một người có tên Trọng “dầu” (chưa rõ nhân thân lai lịch).

Cả nhóm góp vốn với Hữu để mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ và ăn chia theo tỷ lệ 60%- 40%, trong đó Hữu 40%, nhóm của Viễn 60% (tổng vốn là 53,4 tỷ đồng).

Viễn trực tiếp điều động 2 tàu biển chuyên dụng chở xăng dầu do Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng do Viễn đứng tên sở hữu để vận chuyển xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam. 

Hai tàu này được neo đậu tại vùng biển OPL (vùng biển tự do, giáp ranh các nước Singapore, Malaysia, Indonesia). Khi được Viễn chỉ đạo, Nguyễn Minh Khoa (Giám đốc Công ty TNHH VTB Thuận Phát) sẽ thông báo thời gian, thông tin đại lý cho thuyền trưởng điều tàu di chuyển vào cảng Vopak ở Singapore để liên lạc với đại lý nhận xăng vận chuyển về vùng biển Việt Nam giao cho các tàu của Hữu và một số tàu khác đưa về Khánh Hòa tiêu thụ.

Kết quả điều tra xác định, Phan Thanh Hữu, Phùng Danh Thoại và đồng phạm đã buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95- III, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít. Số còn lại chưa kịp tiêu thụ thì bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.

Cơ quan điều tra xác định số xăng buôn lậu có giá trị hơn 2.798 tỷ đồng. Thông qua hành vi buôn lậu trên, Phan Thanh Hữu được hưởng lợi 105 tỷ đồng, tương đương với 40%. Nhóm Viễn, Cường, Thoại, Trọng “dầu” hưởng 60%, tương đương số tiền được hưởng lợi là hơn 157 tỷ đồng.

Riêng ông Thoại thường được Viễn đưa tiền mặt, thời gian, địa điểm đưa không cố định. Ông Thoại xác định được chia lợi nhuận 16 lần (tương ứng với 16 tháng), lần ít nhất 250 triệu đồng, lần nhiều là 3,4 tỷ đồng. Tổng cộng ông Thoại được chia 18,3 tỷ đồng. Ngoài ra, vào tháng 2/2020, ông Thoại yêu cầu Hữu chuyển 4 tỷ đồng để thanh toán tiền mua ô tô Volvo XC90. Tổng số tiền ông Thoại hưởng lợi là 22,3 tỷ đồng (gấp 4 lần vốn góp).

Quá trình điều tra, ông Thoại đã nhận thức được sai phạm của mình, chủ động nộp 16,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

CHI HÀNG CHỤC TỶ ĐỒNG HỐI LỘ

Cáo trạng thể hiện, để thực hiện được việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra bắt giữ, các đối tượng trong đường dây buôn lậu này đã thống nhất việc chi hối lộ hàng tháng cho các cá nhân thuộc lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông... 

Toàn bộ số tiền chi hối lộ được lấy từ nguồn tiền mà các đối tượng đã thực hiện việc buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng. 

Kết quả điều tra cho thấy số tiền hối lộ cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cựu Phó Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) được xác định là 6,2 tỷ đồng và 560 ngàn USD.

Trong các lần nhận tiền, Thế Anh giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, là em con chú ruột) đi nhận. Thế Anh dặn An “đến khoảng giữa tháng gọi điện cho Hữu để lấy đồ”. Các lần đó, An điều khiển xe máy đến trước cửa nhà Hữu ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hữu thường xếp thành các cọc tiền, loại tiền USD mệnh giá 100 USD, tiền VND mệnh giá 500.000 đồng, để trong túi nilon màu đen, buộc gọn, để vừa cốp xe máy của An.

Còn bị cáo Lê Văn Minh bị xác định đã thông qua vợ và con nhận 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện, giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu không bị bắt giữ, xử lý. Bị cáo Nguyễn Văn Hùng nhận 6,3 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Lâm nhận 1,3 tỷ đồng, Lưu Thế Đức nhận 400 triệu đồng...