Vững vàng làm cách mạng trên thế kiềng ba chân
Việt Nam nhận diện có thách thức, có cơ hội trước Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Việt Nam nhận diện có thách thức, có cơ hội trước Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng cơ hội là chủ đạo và cuộc cách mạng này sẽ thành công khi được tiến hành trên thế vững vàng như kiềng ba chân. Đó là, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng; an toàn công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trao đổi trong cuộc phỏng vấn.
Thiếu tự tin, khó thành công
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra một Nghị quyết chỉ đạo toàn diện về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Chắp bút cho Nghị quyết, ông có từng cảm thấy "hụt hơi" khi phân tích về các giải pháp cũng như mục tiêu để Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng này?
Để ban hành các chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc tham gia Cách mạng 4.0 của nước ta, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Mặc dù chúng ta còn rất nhiều hạn chế khi tiến hành Cuộc cách mạng 4.0 như mức độ chủ động còn thấp; nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất; khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế; tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn...
Nhưng tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt đã được xác định rõ, một trong những mục tiêu hàng đầu để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết là để tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin. Bước chân vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay bất kỳ cuộc cách mạng nào, nếu thiếu tự tin thì khó thành công.
Chúng ta phải tự tin để có được tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Chúng ta có thể tự tin được như vậy trên cơ sở nào, thưa ông?
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội để thực hiện khát vọng phát triển đất nước. Nước ta đang có những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh để thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy kinh tế số, tạo sự phát triển đột phá.
Những trở ngại, hạn chế về nhận thức, thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong nước khi tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là lớn song nếu có các chủ trương, chính sách đúng đắn và tổ chức triển khai quyết liệt thì hoàn toàn có thể được cải thiện và khắc phục.
4 vấn đề cốt tử
Dù vậy, có một số ý kiến cho rằng khó mà tự tin với các mục tiêu mà Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, như đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP...?
Trên thực tế, Việt Nam đã có được sự hình thành và phát triển nhanh của kinh tế số. Kinh tế số đã và đang trở thành bộ phận ngày càng lớn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 về Kinh tế số ASEAN do Temasek (Singapore) và Google thực hiện cho thấy kinh tế số tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018, tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2018.
Việt Nam có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của kinh tế kỹ thuật số so với GDP là lớn nhất trong khu vực, con số này là 4% vào năm 2018; đứng thứ 2 là Singapore với 3,2%; tiếp theo Indonesia 2,9%; Thái Lan và Malaysia cùng 2,7%; Philippines 1,6%. Đối với quy mô nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, đạt giá trị 9 tỷ USD; sau Indonesia và Thái Lan.
Ông có thể chia sẻ về một số điều tâm huyết của ông về Nghị quyết này?
Tại Nghị quyết số 52, Đảng ta đã đề ra các quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các chủ trương chủ động, tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ nhất, phải xác định chủ động, tích cực tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội, phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ các nội hàm và bản chất cách mạng của cuộc cách mạng này để có quyết tâm trong đổi mới tư duy, đổi mới hành động và xem đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động, tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cả cơ hội và thách thức cho đất nước chúng ta, trong đó, phải xác định cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên phải chủ động tích cực, phòng ngừa ứng phó với tất cả những tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng một thể chế cho phù hợp. Phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những cơ chế thí điểm với những vấn đề mới từ thực tiễn đặt ra, tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng bang quang, thờ ơ, thụ động, thiếu tự tin, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Thứ tư, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cả trong nước và ngoài nước để đáp ứng đủ nguồn lực trong việc chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.