“Sáu tháng đầu năm 2023 kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, đặc biệt biến động ở các thị trường lớn nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, nhất là những mặt hàng có cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu lớn như công nghiệp tiêu dùng.
Vậy, làm thế nào để tăng sức chống chịu, sự thích ứng của xuất khẩu khi nền kinh tế bên ngoài biến động? Theo tôi, đó là câu chuyện xuất khẩu bền vững. Xuất khẩu bền vững là điểm mới của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tháng 4 năm 2022, trong đó có những điểm nhấn quan trọng về xuất khẩu.
Thứ nhất, tái cấu trúc lại hoạt động xuất khẩu theo hướng phát triển xuất khẩu một cách cân đối. Quá trình vừa qua có thể thấy hoạt động xuất khẩu có những kết quả tích cực, tuy nhiên còn tích tụ nhiều điểm mất cân đối.
Do đó, đầu tiên cần cân đối chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Tiếp đến, cân đối về thị trường xuất khẩu, vì nhiều nhóm hàng vẫn phụ thuộc vào 1-2 thị trường nhất định đặc biệt là nhóm hàng nông sản.
Về cân đối cán cân thương mại, sau nhiều năm nhập siêu, chúng ta có 7 năm xuất siêu với thặng dư thương mại tương đối cao. Tuy chưa đặt vấn đề xuất siêu như thế nào là hợp lý nhưng cán cân thương mại song phương với một số nước đang bị mất cân đối, khi chúng ta xuất siêu khá lớn sang quốc gia này nhưng lại nhập siêu lớn từ quốc gia khác.
Thứ hai, trong xuất khẩu bền vững là câu chuyện xuất khẩu xanh, sản xuất xanh, thương mại xanh, đây là vấn đề cần quan tâm. Nhiều bài học vừa qua như xuất khẩu dệt may, da giày là những mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn từ cắt giảm tiêu dùng trên thế giới. Trong khi nhu cầu tiêu dùng các nước cắt giảm, với lượng đơn hàng nhỏ, các nước nhập khẩu sẽ ưu tiên những đơn hàng sản xuất xanh. Nếu không phát triển xanh, chúng ta sẽ mất những đơn hàng lâu dài.
Thứ ba, tái cơ cấu sản xuất công, nông nghiệp bằng việc nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản phẩm để sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị tốt. Đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu đôi khi là câu chuyện về thương hiệu. Mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng đưa doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới. Với sản phẩm nông sản đó là đáp ứng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện chúng ta có nhiều cơ hội từ các FTA để bước chân vào nhiều thị trường nước ngoài, tuy nhiên, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Vì vậy, câu chuyện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp là vấn đề cần đặt ra để xuất khẩu bền vững trong giai đoạn tới”.
“Bối cảnh, tình hình quốc tế trong thời gian qua có nhiều biến động lớn trên hầu hết các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, có tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của các nước trên thế giới, yêu cầu mỗi quốc gia cần phải có những giải pháp, chính sách phù hợp để ứng phó với bối cảnh, tình hình và các biến động có thể xảy ra trong tương lai…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều yếu tố rất phức tạp, khó lường, khó dự báo hay thậm chí vượt qua dự báo xuất hiện, làm chậm đi quá trình phục hồi, đẩy kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái.
Tổng cầu yếu, chi phí sản xuất gia tăng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế thấp ở nhiều quốc gia phát triển, một số thậm chí đã bắt đầu rơi vào suy thoái kỹ thuật như khu vực Eurozone, New Zealand…
Lạm phát, nhất là tại Mỹ, châu Âu, tuy đã hạ nhiệt nhưng áp lực giá cả hàng hóa tại nhiều quốc gia còn lớn khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ lãi suất ở mức cao.
Hệ thống tài chính, ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sau sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ. Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng phục hồi không như kỳ vọng; giá năng lượng, thực phẩm biến động mạnh; xu hướng bảo hộ, phòng thủ thương mại gia tăng…
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài. An ninh phi truyền thống đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến ổn định kinh tế, chính trị. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia…
Bối cảnh hiện tại đặt ra nhiều thách thức lớn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 và mục tiêu phát triển bền vững. Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 chậm lại so với năm 2022.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế vẫn trong quá trình chuyển đổi và hội nhập; quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Đồng thời, nội tại nền kinh tế còn nhiều vấn đề yếu kém, bất cập đã kéo dài nhiều năm, khó có thể giải quyết, xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi cả ở trong và ngoài nước, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế. Nhiều chính sách thiết thực, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành. Những khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; trong đó, tập trung vào năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Thứ tư, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc. Sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
“Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ một chuỗi sự kiện sốc, đó là đại dịch Covid-19, Trung Quốc mở cửa muộn, chuỗi cung ứng đứt gãy; xung đột ở Ukraine tác động lên giá nhiên liệu và lương thực; lạm phát, lãi suất tăng; Trung Quốc không còn là nguồn cầu trong trường hợp xấu nhất; tài chính mong manh, tiêu dùng và đầu tư giảm, giá tài sản giảm trong khi lãi suất tăng; sự tái xuất hiện của trào lưu bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, dấu hiệu tốt là giá nhiên liệu giảm và tăng trưởng lao động vẫn tốt.
Dự báo GDP thế giới cũng sẽ phục hồi muộn, trong đó, năm 2023 sẽ phục hồi chậm lại và lạm phát cao. Bước sang năm 2024, mức độ phục hồi vừa phải và còn tùy thuộc vào chính sách xử lý lạm phát để siết chặt tiền tệ.
Các yếu tố khác cũng phải kể đến là thâm hụt tài khóa lớn, tăng trưởng chậm, dẫn tới khó có thể kích thích tài chính. Dự báo thâm hụt tài khóa tiếp tục tới năm 2025. Trong khi đó, tăng trưởng chậm sẽ làm giảm tiêu dùng, giảm thu nhập… Phục hồi kinh tế toàn cầu đang chững lại và sẽ tiến triển rất chậm, từ đó, tiếp tục tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về xuất khẩu.
Về tình hình trong nước, Việt Nam hiện dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Mặt khác, các công cụ tài khóa không được sử dụng đúng mức, làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.
Trong khi đó, đầu tư công, một động lực lớn cho tăng trưởng thì đang còn phân mảnh, không gắn với chính sách công nghiệp và thương mại. Mặc dù chi cho cơ sở hạ tầng tương đối cao nhưng còn trùng lặp, dự án nhỏ và không hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư công trên GDP giảm, ngày càng địa phương hóa. Là một trong những nước phân cấp đầu tư công cao nhất trên thế giới, đầu tư công từ trung ương chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP của Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần lật ngược sự suy giảm trong đầu tư công để đối mặt với chuyển dịch năng lượng và khí hậu. Theo đó, đầu tư công cần được tập trung, tăng hiệu quả thông qua giám sát quốc gia và kế hoạch phát triển vùng.
Việt Nam cũng cần nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn. Đặc biệt, cần xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm; đồng thời, cần minh bạch hóa chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội. Hiện hơn 50% lực lượng lao động đều được trả lương. Do đó, hệ thống an sinh xã hội đáp ứng cao và hiệu quả là cần thiết cho chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Ngoài ra, trợ cấp trẻ em và lương hưu xã hội phổ cập sẽ đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho mọi người dân, giá thành thấp và lại kích cầu trong khủng hoảng”.
“Nền kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường nhưng tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72, thấp hơn rất nhiều so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm và hoàn thành mục tiêu của Quốc hội đặt ra 6,5% cho cả năm 2023 là một chặng đường rất thách thức.
Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm suy giảm rất mạnh phía cầu, các đối tác lớn của Việt Nam đều chứng kiến mức độ suy giảm tổng cầu khá lớn như Mỹ, EU, một số các nước châu Á, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, da giày, dệt may, đồ gỗ… có mức suy giảm rất lớn. Trong 14 năm qua, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực cho tăng trưởng, nhưng hiện nay khu vực này đang suy giảm và kéo theo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm rất thấp.
Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn có sự phát triển ổn định và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ quý 1 tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2022 (trong thời kỳ Covid-19) nhưng quý 2 tăng trưởng chậm dần. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, đặc biệt quý 3 năm ngoái có mức độ tăng trưởng rất lớn do cùng kỳ tăng trưởng âm. Do đó, trong những tháng tiếp theo, ngành dịch vụ cũng sẽ phát triển nhưng không cao như kỳ vọng.
Đi tìm các giải pháp cho vực dậy tổng cầu cuối năm, tôi cho rằng quan trọng nhất hiện vẫn là tổng cầu thế giới do sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào cầu quốc tế. Chỉ khi tổng cầu thế giới phát triển và hồi phục, trong nước mới có thêm đơn hàng và sản xuất quay trở lại. Tín hiệu từ các quốc gia và các đối tác lớn với Việt Nam như Mỹ cho thấy bắt đầu có sự cải thiện, suy thoái kỹ thuật giảm dần và cầu tại Mỹ, châu Âu có tăng trưởng.
Điều này mang lại hy vọng trong những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt trong khu vực công nghiệp. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ vẫn tăng trưởng, đặc biệt là nhiều hứa hẹn trong ngành du lịch, với triển vọng về thị trường khách quốc tế.
Với tiêu dùng trong nước, hiện Chính phủ ban hành nhiều biện pháp để kích thích cầu tiêu dùng trong nước. Vừa qua, chính sách giảm thuế VAT 2% bắt đầu từ tháng 7 sẽ kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn. Một số chính sách khác về thuế như giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hay lãi suất ưu đãi khi mua nhà ở xã hội… cũng góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, một trong những điểm nhấn năm nay đó là khối lượng vốn đầu tư công và vốn từ chương trình phục hồi rất lớn, hơn 700.000 tỷ đồng. Mặc dù chiếm 25% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng khi đồng vốn đầu tư công được thúc đẩy sẽ trở thành vốn mồi thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân và sẽ là động lực kéo các ngành khác như xây dựng, các ngành sản xuất cùng phát triển”.
“Tôi thiên về chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng được tính toán qua phương pháp sử dụng GDP. Tiêu dùng cuối cùng phản ánh thực tế người dân và Chính phủ chi tiêu bao nhiêu và đóng góp vào GDP bao nhiêu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2023 chỉ tăng 2,63%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2021 là 3,56%, năm 2022 là 6,06%.
Những con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho chúng ta cần có chính sách kích thích tổng cầu. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này, chi tiêu của hộ gia đình chiếm đến hơn 70%, chủ yếu dành cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới, muốn kích cầu trong nước, phải làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu.
Con số tổng mức bán lẻ tăng khá tốt nhưng tôi hơi hoang mang. Số thống kê tổng mức bán lẻ nửa đầu năm tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá còn 8,4%. Trong khi con số thống kê tiêu dùng cuối cùng chỉ 2,63% mà tổng mức bán lẻ tăng 10,9%, mức chênh lệch này khá xa khiến tôi rất băn khoăn về chuyện đó. Chính vì vậy, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng của GDP Việt Nam hiện nay để có chính sách kích cầu hiệu quả”.
“Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18,7 tỷ USD, giảm 17,7% so cùng kỳ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 5,67 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm 5 tháng lớn nhất kể từ 2019 trước đại dịch.
Sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường nói chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm mà nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.
Về mặt vĩ mô, yếu tố về tỷ giá tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng. Nếu xét trên góc độ tỷ giá, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác. Đồng tiền Việt Nam ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD, trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu.
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu áp lực lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh.
Hơn nữa, yếu tố logistics cũng là một rào cản lớn đối với việc xuất khẩu dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Theo trang Vietnam Credit, chi phí logistics bình quân trên tổng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam hiện gần 17%, cao hơn so với các quốc gia khác.
Ngoài ra, chi phí tiền lương cao hơn cũng là một trong những yếu tố thách thức cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng trong điều hành vĩ mô, nhất là tỷ giá, cần tính toán đầy đủ ảnh hưởng của việc suy giảm xuất khẩu. Các chi phí sẽ phải bỏ ra khi xuất khẩu giảm như chi phí cho lao động mất việc làm, các vấn đề xã hội, mất khách hàng mà chi phí phục hồi sẽ rất lớn.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần đi trực tiếp vào doanh nghiệp: giảm thuế, hoàn VAT nhanh, giữ nguyên nhóm nợ…”.
“Điều chúng ta cần quan tâm là vấn đề sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào. Có thể nói, chưa giai đoạn nào tôi phải tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều nhóm ngành hàng như vậy. Khó khăn về thị trường đã đành, nhưng khó khăn từ chính sách mới là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp.
Cái khó ở Việt Nam mục tiêu chính sách là vậy nhưng sự chia sẻ, hành động của các cơ quan liên quan không giống nhau. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước rất vất vả chỉ đạo điều hành đảm bảo về vốn, hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi đó tình trạng nợ đọng, không hoàn được thuế giá trị gia tăng xảy ra ở rất nhiều ngành hàng.
Có doanh nghiệp phản ánh, mỗi tháng xuất khẩu 420 tỷ đồng, nhưng mấy tháng qua đình lại không xuất khẩu vì không hoàn được thuế. Chỉ cần một doanh nghiệp trong chuỗi bị trục trặc, cơ quan thuế không hiện diện tại địa điểm đó hoặc đóng cửa thì lập tức tài khoản của doanh nghiệp bị ách lại, doanh nghiệp phải giải trình, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải làm việc với cơ quan công an.
Nguồn vốn của doanh nghiệp đã khó nhưng lại bị đọng. Như vậy, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm vốn vẫn còn vướng.
Dẫn chứng khác, với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh hiện nay lẽ ra phải thảo luận về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về việc giảm thuế, nhưng nghịch lý là lại đang phải ngồi thảo luận để ngành của họ không bị đưa vào diện tăng thuế.
Một mặt, chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm VAT 2%; nhưng mặt khác, Bộ Tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý.
Không chỉ vậy, hiện nay có rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến nhiều ngành hàng Việt Nam khó cạnh tranh, như phải thực hiện Luật Bảo vệ môi trường thông qua thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong tái chế… Vì vậy, điều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là các giải pháp cải cách thể chế.
Dường như lãnh đạo đang nói nhiều về mục tiêu chính sách cải cách, nhưng cách thức cải cách hay cải cách lĩnh vực nào, trách nhiệm của các bộ, ngành ra sao, lộ trình thực hiện thế nào thì ít được thảo luận, chủ yếu thảo luận về các mục tiêu cần đạt được. Chính điều này ít tạo hiệu ứng thực tế”.
“Trong báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý 1 có 2.700 giao dịch nhà ở thành công trên toàn quốc, quý 2 tăng lên với trên 3.700 giao dịch nhà ở thành công trên toàn thị trường. Nếu so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 (2019) thì năm 2018 chỉ bằng vài phần trăm. Rõ ràng, sụt giảm về cầu nhà ở cực kỳ mạnh. Cụ thể, năm 2018, theo thống kê của chúng tôi, có 200 nghìn nhà ở trên toàn thị trường được hấp thụ; năm 2019 là 180 nghìn sản phẩm được hấp thụ. Trước đây, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường bình quân 1 triệu tỷ đồng/năm, bây giờ chỉ còn vài nghìn tỷ đồng. Ngành bất động sản theo tính toán chiếm khoảng 15% GDP và có tác động lan toả sang một số ngành khác, do vậy rất cần các biện pháp tháo gỡ để kích cầu.
Theo tôi, có 4 nguyên nhân cơ bản hiện nay khiến cầu sụt giảm mạnh. Cụ thể, nguồn cung không phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân, dòng tiền yếu, giá bất động sản còn cao và tâm lý nhà đầu tư rất bi quan. Nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay khá nghèo nàn, không phù hợp với đại bộ phận dân chúng, đây là thiếu hụt tạm thời bởi hiện có trên 1.000 dự án đang trực chờ được tháo gỡ pháp lý. Tuy nhiên, có dự án hoàn thành cũng không bán được bởi phải hoàn thiện hạ tầng. Hạ tầng ở đây không chỉ là điện, nước mà cả hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ, do đó, cần có các giải pháp tháo gỡ vấn đề này.
Giá bất động sản hiện nay cũng đã được điều chỉnh nhưng sức cầu yếu do dòng tiền kém, tâm lý nhà đầu tư bi quan, kể cả có tiền cũng không dại gì mua bất động sản trong bối cảnh “phập phồng” như hiện nay.
Chính phủ rất đúng khi tập trung phát triển nhà ở xã hội. Sản phẩm này ra sẽ hấp thụ nhanh vì đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân, hấp thụ nhanh sẽ kéo theo các hoạt động khác. Mặc dù chủ trương đúng nhưng rất vướng về chính sách. Các nhà phát triển khi đầu tư nhà ở xã hội vẫn phải đảm bảo được lợi nhuận.
Do đó, các cấp, các ngành cần thay đổi quan điểm, tránh tư duy xin cho khi phát triển nhà ở xã hội và cần có cơ chế tháo gỡ mạnh hơn, để các nhà phát triển mạnh dạn tham gia phát triển nhà ở xã hội”.
VnEconomy 18/07/2023 13:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam