16:04 24/05/2023

Hạn hán năm 2024 sẽ rất khốc liệt, ngành nông nghiệp lên kế hoạch ứng phó

Chương Phượng

Dự báo năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt do tác động của El Nino, vì vậy cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ. Các địa phương cần tăng cường việc nạo vét hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt… đồng thời cần chuyển đổi cây trồng ở những nơi xảy ra hạn hán...

Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn.
Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5/2023, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80%, tác động đến nhiều loại hình thời tiết ở Việt Nam. Năm 2023 được nhận định là năm sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino. 

10.000 - 15.000 HA LÚA CÓ NGUY CƠ THIẾU NƯỚC

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25 - 50%. Năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt do tác động của El Nino, vì thế cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay hiện tại thời điểm cuối tháng 5/2023, nguồn nước trữ tại các hồ chứa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 40 - 50% dung tích thiết kế, mực nước tại các hồ chứa ở Trung Bộ chỉ đạt khoảng 50 - 70% so với dung tích thiết kế.

Hiện tại một số hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia bổ sung nguồn nước cho hạ du có dung tích trữ thấp hơn 10 - 15% so với các các năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng 2015, 2016, như Bản Vẽ đang trữ 38% dung tích thiết kế, A Vương 44%, Đơn Dương 20%, Đại Ninh 20%, Hàm Thuận 13%.

 

"Đối với cây lúa, đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; thứ hai là sử dụng các giống chịu hạn và giống ngắn ngày (tiết kiệm nước và có chất lượng cao). Đối với vùng nếu lượng nước đủ 3 tháng hoặc tối thiểu 2,5 tháng từ lúc đẻ nhánh cho đến lúc làm sữa mới được gieo cấy lúa. Nếu không đủ nước, cần chuyển đổi sang các cây trồng khác, hoặc nuôi tôm".

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Cục Thủy lợi cho biết hiện tại cả nước chuẩn bị vào gieo cấy lúa thu và mùa. Qua dự báo, tính toán và cân đối nguồn nước, tổng diện tích có nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu tới đây khoảng 10.000 - 15.000ha, trong đó Bắc Trung Bộ khoảng 7.500 - 10.000ha, Nam Trung Bộ khoảng 3.000 - 3.500ha.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2014 El Nino xuất hiện và vụ đông xuân năm 2015 - 2016 xảy ra hạn kỷ lục. Với hiện tượng El Nino, dự báo kéo dài trong hai năm nên vụ đông xuân 2024 - 2025 có thể sẽ có một đợt hạn khủng khiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác.

Do vậy, cần phải đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, khả năng cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn là những vùng bị hạn năm 2015 - 2016, có dự báo nguồn nước từ nay đến 2025, thậm chí 2026 để chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi các địa phương để ứng phó với hạn hán.

Đối với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng, do vậy, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán cũng như những vùng không có tưới, đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro.

Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè, phải tăng cường trồng cây che bóng, phải tạo ra 3 tầng: Tầng dưới thảm cỏ phủ, tầng giữa cà phê và tầng trên che bóng. Đối với chè, lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch.

CẦN KỊCH BẢN TỔNG THỂ CHO NHIỀU NĂM

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay hiện nay tình hình hạn hán chưa vào đợt cao điểm. Nếu lượng mưa hạn chế và khô nóng kéo dài thì dự báo khoảng tháng 7 đến tháng 10 mới xuất hiện hạn nặng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có những tổng hợp đánh giá để đưa ra các giải pháp tổng thể không chỉ trong năm 2023 mà cho cả những năm tiếp theo vì những diễn biến đã có tính chu kỳ ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý cần tăng cường công tác dự báo về nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với tần suất dự báo nhiều hơn. Thực hiện công tác kiểm đếm nguồn nước, từ đó đưa ra các giải pháp cân đối nguồn nước; điều tiết liên hồ và lưu vực.       

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023 - 2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014 - 2016.

 

"Các địa phương cần tăng cường việc nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt trên nguyên tắc ưu tiên cung cấp các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, cây trồng hàng năm và lâu năm..).

Các địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước, những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

Đồng thời, tăng cường chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cần ít nước tưới hơn và phù hợp với nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất có cây trồng cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc phân phối, điều tiết nước.

Cần tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo đúng quy định.