17:20 22/05/2023

Xử lý rủi ro, thu hồi khoản vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Hồng Vinh

Việc xử lý rủi ro theo hướng giảm thiệt hại tối đa cho Nhà nước, gắn trách nhiệm của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc thu hồi khoản vay…

Xử lý rủi ro, thu hồi khoản vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. (Ảnh minh họa).
Xử lý rủi ro, thu hồi khoản vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. (Ảnh minh họa).

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 03/2023/TT-BKHCN hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (gọi tắt là Quỹ). 

Thông tư quy định rõ nguyên tắc xử lý rủi ro. Đó là việc xử lý rủi ro phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; xem xét xử lý rủi ro phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, có đầy đủ hồ sơ, văn bản, tài liệu theo quy định tại Thông tư này và điều lệ Quỹ. 

Đặc biệt, việc xử lý rủi ro được thực hiện theo hướng giảm thiệt hại tối đa cho Nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu hồi khoản cho vay của Quỹ.

Ngoài ra, việc lựa chọn biện pháp xử lý rủi ro được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, biện pháp nào không gây mất vốn hoặc ít gây mất vốn nhà nước thì được cân nhắc thực hiện trước. Một khoản nợ có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro được quy định tại Thông tư này.

Đồng thời, tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Điều lệ Quỹ và dưới 5% tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Trường hợp tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ từ 5% trở lên, Quỹ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.

Về phạm vi xử lý nợ bị rủi ro, Thông tư cũng quy định: doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro, Quỹ được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ.

Hơn nữa, doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ mà tài sản bảo đảm có mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ. Nếu doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ bị phá sản thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Về điều kiện xóa nợ gốc cho doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ, Thông tư quy định: doanh nghiệp gặp rủi ro đã hoàn thành việc phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành được xem xét xóa nợ gốc đối với khoản vay từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023.

 

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đề nghị xóa nợ gốc của doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thuộc đối tượng quy định;
  • Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng;
  • Khoản nợ của doanh nghiệp đã hoặc chưa được áp dụng biện pháp xử lý rủi ro để thu hồi nợ gốc, nhưng doanh nghiệp vẫn còn phần nợ gốc còn lại chưa thu hồi được;
  • Có đầy đủ hồ sơ theo quy định.