Thủ tướng: “Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích”
“Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải là nơi hội tụ trí tuệ, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác. Từ đó tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả và phát triển”…
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tới thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chiều ngày 4/3.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm: các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Những đối tác lớn và quan trọng của Trung tâm như: các tập đoàn công nghệ Viettel, FPT, Google, Meta, Amazon, Hitachi, CMC; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như: Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức,... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.
Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các Viện-trường hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới hiện nay đã phát triển 8 Mạng lưới thành phần tại: Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu và 2 Mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ vệ tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các Đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ; phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp USAID triển khai các hoạt động Phát triển nguồn nhân lực, phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Các nước khác có trung tâm nhưng là phục vụ mục tiêu của tập đoàn, của địa phương, không phục vụ mục đích chung của quốc gia.
Với 8 lĩnh vực trọng tâm, gồm nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, bán dẫn, y tế, hydrogen xanh…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã nhận được sự ủng hộ từ các bộ ngành để hình thành nên hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho đổi mới sáng tạo, thu hút các trí thức, nhà khoa học về xây dựng đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chúng ta có tài sản rất lớn là những con người Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, làm việc tại các tập đoàn, công ty, viện trường tên tuổi trên toàn cầu. Chúng tôi đã hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, hiện đã có 8 mạng lưới thành phần tại các khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…”.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ, phát triển đất nước bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu slogan của Trung tâm là “hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam”.
Để tạo thuận lợi cho việc thu hút nhân tài cũng như nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đồng ý việc sửa đổi Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia theo hình thức rút gọn, hoặc ban hành nghị quyết để giải quyết ngay các vướng mắc.
Về nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo cho NIC, gồm một phần nguồn lực của nhà nước. Thủ tướng cũng lưu ý, việc sử dụng quỹ đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp thị sát công trình của trung tâm đang xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thủ tướng yêu cầu quan trọng nhất là bảo đảm tiến độ, chất lượng, các yếu tố kỹ mỹ thuật; quy hoạch phải tổng thể, bài bản, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, bảo đảm công năng phù hợp.